Nam sinh lớp 11 chuyên Hóa, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tham gia kỳ thi SAT trên máy tính ở Việt Nam hôm 11/3.
Với điểm số 1600/1600 (800 điểm bài Đọc-Viết; 800 điểm Toán), Bách nằm trong số ít học sinh trên thế giới đạt điểm tuyệt đối ở bài thi này. Theo College Board - đơn vị sở hữu bài thi SAT, năm 2022, chỉ 8% thí sinh châu Á đạt từ 1400 điểm trở lên. Từ 1480, thí sinh được xếp vào nhóm 1% điểm SAT cao nhất thế giới.
Nhận kết quả chiều tối 24/3, Bách khoe ngay với bố mẹ và cô giáo, bạn bè. "Em không thể tin nổi, trong phòng thi em rất run vì đây là lần đầu tiên em thi SAT", Bách chia sẻ.
Nam sinh nói bắt đầu ôn tập SAT từ đầu tháng 12 năm ngoái và từng thi thử được 1590 điểm. Tuy nhiên, Bách không mấy chắc chắn về điểm số vì kể từ tháng 3, bài thi SAT lần đầu tiên được tổ chức trên máy tính ở Việt Nam với nhiều thay đổi.
Bài thi kéo dài 134 phút, giảm 46 phút so với trước, gồm hai phần: Đọc-Viết và Toán học. Mỗi nội dung thi được chia thành hai mô-đun có độ dài bằng nhau. Tổng số câu hỏi của bài thi là 98, trong đó 54 câu ở phần Đọc-Viết, 44 câu phần Toán.
"Thi SAT trên máy rất áp lực. Các dạng bài thi khác so với các bài ôn trên giấy", Bách nhìn nhận.
Theo Bách, thí sinh phải hoàn thành phần thi Đọc (Reading) và Viết (Writing) trước, sau đó đến Toán (Math), các câu hỏi được thiết kế với độ khó tăng dần. Ở phần đầu, nam sinh nhận thấy câu hỏi rơi vào nhiều chủ đề khác nhau, từ nghiên cứu khoa học đến các vấn đề xã hội, văn học.
"Mỗi câu hỏi sẽ là một đoạn văn ngắn 25-150 từ thay vì nhiều câu hỏi cho một bài đọc dài như trước. Em ấn tượng nhất với câu hỏi về tác phẩm kinh điển 'Tiếng gọi nơi hoang dã'", Bách nhớ lại. Vì đã đọc qua, nam sinh không khó khăn để tìm ngữ liệu tương ứng.
Ở phần thi Toán, Bách cho rằng độ khó tương đương với Toán lớp 9, lớp 10 của Việt Nam. Trong bài thi thường có dạng tìm x, đồ thị, hàm số, cho phép thí sinh dùng máy tính. Vì thế, phần tìm x dễ ăn điểm nhất nếu thí sinh có kỹ năng bấm máy tính, theo Bách. Bài khó nhất với nam sinh là yêu cầu tìm tổng số đo 4 góc, phải vận dụng nhiều kiến thức về góc bù, góc đối, góc phụ để giải quyết.
Trong quá trình làm bài, mỗi khi gặp câu hỏi khó hoặc căng thẳng, Bách thường nhắm mắt khoảng 15-30 giây để bình tĩnh lại.
Bách nói bất ngờ với điểm số vì chưa đặt ưu tiên cho kỳ thi SAT vào thời điểm này. Nam sinh hiện trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn Hóa, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ bóng Chày hay sự kiện Ngày hội Anh tài của trường.
Hàng ngày, Bách dành một đến một tiếng rưỡi để học. Nam sinh cho rằng việc làm nhiều dạng bài tập và luyện kỹ năng giải đề là chìa khóa để ôn thi hiệu quả. Ngoài học thêm với giáo viên hướng dẫn, Bách dùng các tài liệu ôn SAT miễn phí trên Khan Academy và các đề thi thử trên một số trang mạng.
Để ôn tập tốt phần Đọc và Viết, Bách lưu ý các lý thuyết ngữ pháp để đảm bảo không viết sai cấu trúc. Nam sinh "thiết kế" cuộc sống của mình xoay quanh tiếng Anh bằng cách đọc tin tức, xem video, tài liệu bằng ngôn ngữ này để gia tăng từ vựng. Với phần Toán, em cho rằng không quá khó khăn về kiến thức, nên tập trung vào học thuật ngữ, từ vựng liên quan.
Cô Lê Phương Hoa, giáo viên dạy SAT ở Hà Nội, nói ấn tượng với hình ảnh nam sinh ngồi ngay ngắn ở gần cuối lớp, điểm kiểm tra luôn cao "ngất ngưởng".
"Bách thông minh, chăm chỉ, có kỷ luật và luôn nỗ lực. Bách có khả năng tự học tốt và tập trung cao độ, chịu khó lắng nghe để điều chỉnh phương pháp học và làm bài", cô Hoa nhận xét.
Bách cho rằng việc đạt được kết quả tốt trong học tập không chỉ đến từ nỗ lực của bản thân mà còn do em được hỗ trợ nhiều từ gia đình, thầy cô và bạn bè ở lớp 11 Hoá 1. Hiện điểm trung bình của nam sinh ở trường đạt trên 9. Em từng giành giải ba thi học sinh giỏi môn Hóa cấp THPT của Hà Nội, nhiều lần giành giải nhất thi môn Khoa học của quận và thành phố, huy chương bạc cuộc thi Toán học quốc tế IMC 2019 ở Nam Phi.
Với điểm SAT tuyệt đối, nam sinh sẽ nhắm đến các đại học Mỹ khi nộp hồ sơ ứng tuyển vào cuối năm nay, chọn theo đuổi ngành Kỹ sư Hóa học.
SAT (Scholastic Assessment Test) là bài kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội, tư duy logic, được nhiều trường đại học, cao đẳng ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới sử dụng như một tiêu chí tuyển sinh.
Trước Lâm Bách, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từng có 3 học sinh giành điểm tuyệt đối ở bài thi này. Đó là Trần Đình Quân vào năm 2019 khi là học sinh lớp 10 chuyên Toán; Nguyễn Mạnh Quân, học sinh lớp 12 chuyên Lý vào năm 2021 và Lê Thùy Linh, học sinh lớp 12 chuyên Toán năm 2022.
Doãn Hùng