Hùa, 19 tuổi, người dân tộc Mông, là cựu học sinh lớp 12A1, trường PT Hermann Gmeiner Vinh. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hùa được 8,4 điểm Toán, 8,25 Hóa và 8 Sinh cùng với 2,25 điểm ưu tiên nên trúng tuyển khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học bằng nguyện vọng 2. Em thiếu điểm khi xét tuyển nguyện vọng 1 vào Đại học Y Dược Huế.
4 ngày trước, nhận tin báo trúng tuyển Đại học Y Hà Nội, Hùa lần lượt nhắn tin, gọi điện thông báo tới lãnh đạo làng trẻ em SOS, mẹ nuôi và cô chủ nhiệm. "Bố ơi con cảm ơn bố và làng rất nhiều ạ. Con rất vui khi trúng tuyển Đại học Y Hà Nội. Con sẽ cố gắng và phấn đấu hơn nữa để không phụ lòng bố và làng", Hùa gửi tin nhắn tới ông Lê Bá Lương, Giám đốc Làng trẻ em SOS Vinh.
Sinh ra tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Hùa là con đầu trong gia đình có hai anh em. Năm 2012, lúc Hùa hơn 9 tuổi và em gái 6 tuổi, bi kịch ập đến khiến hai anh em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Người thân, họ hàng đều nghèo, anh em Hùa được làng trẻ em SOS Vinh đón về nuôi dưỡng.
Hùa được sắp xếp làm con của mẹ Trần Thị Bình (một trong 15 gia đình ở làng). Thời gian khi mới về làng với Hùa rất khó khăn, đặc biệt là rào cản ngôn ngữ. Dù đã học lớp 4, tiếng Kinh chưa thạo nên nhiều hôm tới trường cậu bé không nghe kịp cô giáo giảng bài, kết quả học tập kém.
"Ban đêm, mẹ Bình dạy tiếng, bày em viết chữ. Nhờ sự tận tình và nghiêm khắc của mẹ, hai năm sau em cải thiện được ngôn ngữ", Hùa nhớ lại và cho biết sẽ không bao giờ quên được quãng thời gian khó khăn đó và rất biết ơn mẹ Bình.
Kết quả học tập của Hùa tốt lên dần các năm sau. Đầu năm lớp 8, được cô giáo dạy Hóa gọi lên bảng kiểm tra bài cũ, Hùa đạt 9 điểm. Điểm số này đã làm cho nam sinh phấn khởi, yêu thích môn Hóa rồi theo học khối B (Toán, Hóa, Sinh). Lên lớp 10, Hùa được xếp vào lớp chọn của trường PT Hermann Gmeiner Vinh.
"Em ước mơ được làm bác sĩ để sau này có cơ hội khám và chữa bệnh cho mọi người. Gần đây, khi dịch Covid-19 bùng phát, chứng kiến đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu làm việc, em càng cảm phục và tự nhủ phải học tập tốt", Hùa nói.
Tân sinh viên cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên ngày 20/9 là buổi học online đầu tiên mà trường tổ chức. Hiện, em về thăm người thân ở huyện Kỳ Sơn. Đây cũng là lần về quê thứ hai kể từ khi em được đón về làng trẻ.
Ông Lê Bá Lương, Giám đốc Làng trẻ em SOS Vinh, đánh giá Xồng Bá Hùa rất nỗ lực để vượt qua những khó khăn của cuộc sống. 9 năm ở làng, em chưa bao giờ vi phạm kỷ luật. Ngoài học văn hóa, Hùa đam mê thể thao, võ. Nhiều năm trước Hùa đã mang đai đen môn Karatedo, tham gia dạy thêm cho nhiều em nhỏ.
"Đây cũng là lần đầu tiên sau gần 30 thành lập, có một người con của làng trúng tuyển Đại học Y Hà Nội. Chúng tôi đã liên hệ với một số nhà hảo tâm để hỗ trợ thêm chi phí giúp Hùa trong những năm tới", ông Lương nói.
Làng trẻ em SOS Vinh hoạt động từ năm 1992, có 15 gia đình, bình quân hàng năm nuôi dưỡng hơn 150 em mồ côi, mất nguồn chăm sóc trực tiếp của cha mẹ. Tới nay làng đã chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục hơn 430 trẻ. Nhiều người trong số này đã tốt nghiệp đại học.