Trong thời gian nghỉ học vì Covid-19, Zhang nảy ra ý tưởng chế tác cây cầu mô hình, lấy cảm hứng từ cầu Bắc Bàn Giang (tỉnh Quý Châu, Trung Quốc), từng được công nhận là cầu cao nhất thế giới trong sách kỷ lục Guinness. Zhang tiếp tục mở rộng làm mô hình tuyến đường sắt trong khu vườn sau nhà rộng 300 m2.
Các phân đoạn của tuyến đường được Zhang thiết kế và chế tạo trong phòng thí nghiệm riêng. Sau khi hoàn thành, các bộ phận được đem ra vườn lắp ráp.
Giữa những luống ngô và rau quả, mô hình đường sắt của Zhang được thiết kế thủ công, gồm nhiều chi tiết tinh xảo như cầu, đường ray tàu hỏa, đường hầm. Để tuyến đường thêm chân thực, Zhang mua mô hình tàu hỏa, cải biến thành tàu cao tốc.
Mỗi ngày, Zhang dành 8 tiếng xây dựng mô hình. "Vì học trực tuyến, tôi có nhiều thời gian rảnh. Tôi thường dành từ 2 đến 5 giờ chiều và ban đêm để sáng tạo", Zhang nói, cho hay sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trong tương lai.
Có niềm yêu thích với cơ sở hạ tầng, Zhang thử nghiệm chế tạo mô hình từ những năm học cấp 3. Anh bán các bản sao tháp Eiffel, ôtô, tàu, thu về hơn 7.000 nhân dân tệ (khoảng 23 triệu đồng).
Khi mô hình đường sắt của Zhang nổi tiếng trên mạng xã hội, làm dấy lên cuộc tranh luận về việc học sinh nên chọn học đại học hay học nghề. Đối với học sinh cấp 3 tại Trung Quốc, đạt điểm số cao trong kỳ thi đại học gaokao và vào các trường đại học danh giá là phương tiện duy nhất để đổi đời.
Câu chuyện của Zhang là minh chứng cho việc có nhiều con đường khác để dẫn đến thành công. Một số người cho rằng sinh viên tốt nghiệp từ các trường nghề cũng sẽ trở thành trụ cột của Trung Quốc trong tương lai.
"Hãy tiếp tục cố gắng và theo đuổi ước mơ. Bạn sẽ thành công tương lai", một người bình luận.
Tú Anh (Theo Ecns, CGTN)