Ngày 14/1, Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết nam sinh nhập viện trong tình trạng tổn thương lộ xương, ngón 2 bị dập nát hoàn toàn, mất da trên diện rộng và nhiều vết thương ở lòng bàn tay.
Theo gia đình, bé nghịch pháo không rõ nguồn gốc tại nhà, dẫn đến pháo phát nổ. Sau khi được sơ cứu tại bệnh viện huyện, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Thái Bình. Tại đây, bác sĩ đã cắt lọc phần bị dập, làm sạch vết thương, khâu các vết hở, tháo đốt giữa và đốt xa ngón 2, đồng thời tạo mỏm cụt để bảo tồn chức năng bàn tay. Hiện sức khỏe của bệnh nhi dần hồi phục.
Đây chỉ là một trong nhiều ca tai nạn nghiêm trọng liên quan đến pháo nổ gần đây. Hai tuần trước, một thiếu niên 17 tuổi tự chế pháo theo hướng dẫn trên mạng dẫn đến phát nổ, gây bỏng 50% cơ thể, dập nát tinh hoàn và đa chấn thương, phải cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM. Trong tháng 12, bệnh viện này cũng tiếp nhận 4 trường hợp tuổi từ 12 đến 16 bị đa chấn thương nghiêm trọng do pháo tự chế, tất cả đều phải cắt cụt bàn tay trái.
Bệnh viện Nhi đồng 2 ghi nhận nhiều ca tương tự, trong đó có bé trai 12 tuổi bị chấn thương nghiêm trọng khi chế pháo từ bột lưu huỳnh lấy từ que diêm.
Các bác sĩ cảnh báo người dân tuyệt đối không tự chế hoặc sử dụng pháo không rõ nguồn gốc, đồng thời không để trẻ tiếp cận pháo nổ. Những tai nạn từ pháo tự chế thường gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn.
Vào dịp Tết, trẻ em dễ gặp tai nạn do được nghỉ học nhưng thiếu sự giám sát từ người lớn. Gia đình và nhà trường cần tăng cường giáo dục, nhắc nhở trẻ em về nguy hại của pháo nổ, tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý pháo. Nếu tai nạn xảy ra, cần nhanh chóng sơ cứu và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Thúy Quỳnh