Những ngày đầu tháng 8, nửa tháng sau khi giành huy chương bạc Olympic Sinh học quốc tế, Hà Mạnh Duy, học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), không còn ở trong ký túc xá của trường. Trở về với gia đình ở huyện Vĩnh Tường, Duy tranh thủ thời gian rảnh kèm học online cho một học sinh khóa dưới.
Nổi tiếng ở trường, thậm chí được bình chọn là "học sinh của năm" hồi tháng 5, không chỉ một mà nhiều đàn em muốn được Duy dạy học. Thế nhưng phải sau khi giành giải quốc tế, nam sinh mới đủ chuyên tâm để nhận kèm một em. "Tấm huy chương bạc Olympic Sinh học quốc tế giúp em cảm thấy thoải mái. Giờ thì em có thể làm những điều mà trước đây chưa có thời gian làm", Duy nói.
Duy bắt đầu yêu thích môn Sinh từ năm lớp 8, khi đọc cuốn sách về những nhà sinh học nổi tiếng thế giới ở góc thư viện cuối lớp học. Kỳ thi vào lớp 10, Duy trúng tuyển vào lớp chuyên Sinh trường THPT chuyên Vĩnh Phúc.
Nam sinh gây ấn tượng với thầy cô, bạn bè khi luôn đứng đầu trong các bài kiểm tra môn học này và giành giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh ngay trong lần đầu tham gia. Với các bài khảo sát, điểm tổng kết các môn, em không đứng nhất cũng phải đứng nhì, không bao giờ ở vị trí thứ ba trong lớp.
Để duy trì được thành tích, Duy giữ cách học "theo cảm xúc". Khi thích, em có thể ngồi học đến 1-2h sáng mới đi ngủ, còn khi không có cảm hứng thì đi ngủ lúc 9-10h tối. Khi chạm vào một phần kiến thức nào đó, đặc biệt phần mình yêu thích, em sẽ tận dụng mọi học liệu, công cụ để học tập, từ sách giáo khoa đến đề thi quốc gia, quốc tế, sách tham khảo bằng tiếng Anh trên Internet. Em cũng chủ động hỏi thầy cô ở trường để được giải đáp phần chưa hiểu.
Với cách học và những thành tích đạt được từ năm lớp 10, Duy tự tin giành một suất trong đội tuyển của tỉnh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vào năm lớp 11. Kết quả em giành giải nhì Sinh học quốc gia với mức điểm chỉ kém người giải nhất 0,15.
Mọi thứ nằm trong dự tính khiến Duy bị quá tự tin đến mức chủ quan. Bước vào vòng 2 quốc gia để chọn 4 học sinh dự thi Olympic Sinh học quốc tế, Duy bị loại. Với em, đó là cú sảy chân đáng trách, nhưng cũng là bài học nhớ đời.
"Dừng lại ở giải nhì quốc gia khiến em thất vọng. Nhiều anh chị, bạn bè làm được điều đó, thậm chí hơn thế. Em cũng muốn đạt được kết quả cao hơn để khẳng định bản thân và không phụ sự kỳ vọng từ mọi người", Duy đã tự nhủ, quyết tâm giành giải quốc tế, được nhà trường ghi danh.
Với sự góp ý của cô chủ nhiệm, Duy tìm ra được điểm yếu của bản thân. Nam sinh liệt kê một là chủ quan nghĩ đề không quá khó trong khi kiến thức còn yếu, chưa thể bằng anh chị khóa trên. Hai là kỹ năng đọc đề chậm. "Với đề thi quốc tế dài 50-60 trang A4, phải làm trong 3 tiếng thì tốc độ đọc đề của em có vượt qua vòng 2 quốc gia cũng khó lòng đạt thành tích cao ở kỳ thi quốc tế", Duy nói.
Biết được điểm yếu, Duy thay đổi bản thân, bớt chủ quan, tập trung ôn luyện nhiều hơn, đặc biệt là kỹ năng đọc đề. Đề thi quốc tế ra dưới dạng trắc nghiệm với 50 câu, mỗi câu dài khoảng một trang, mô tả rất nhiều bước thí nghiệm, các kết quả đạt được của thí nghiệm đó trong khi áp lực thời gian rất lớn. Việc đọc hết đề một cách cẩn thận, theo Duy đã là chạm tay tới giải thưởng.
Luyện đọc và làm đề nhiều hơn, đọc sách nhiều hơn thay vì tự tin "đã học xong và hiểu hết chương trình môn Sinh rồi", lắng nghe sự góp ý của thầy cô về bản tính hiếu thắng, chủ quan của bản thân, Duy trở nên hoàn thiện hơn để rồi giành giải nhất quốc gia, trở thành một trong 4 học sinh Việt Nam dự thi Olympic Sinh học quốc tế và giành huy chương bạc.
Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc đã có 7 học sinh thi Olympic Sinh học quốc tế trước Duy, nhưng chỉ đạt huy chương đồng hoặc bằng khen. Em đã đổi màu huy chương thành công cho các thế hệ chuyên Sinh của trường.
Cô Tạ Thị Thu Hiền, giáo viên chủ nhiệm, người trực tiếp giảng dạy môn Sinh cho Duy từ lớp 10, tự hào trước thành tích của học trò. Thế nhưng đến tận bây giờ, cô vẫn chưa một lần đứng trước mặt và khen ngợi Duy. "Tôi rất hiểu Duy, biết phải làm gì tốt nhất cho học trò cá tính đặc biệt này. Không khen em cũng là một trong những cách để tôi giúp em vượt lên chính mình", cô Hiền nói.
Sở dĩ cô Hiền chưa bao giờ khen Duy bởi từ năm lớp 10 em luôn tỏ ra tự tin thái quá. Duy tự tin đến mức không cần trao đổi, học hỏi từ các bạn hay anh chị khóa trên dù được cô gợi ý. Em chỉ tự học và chủ động hỏi thầy cô những phần kiến thức còn thắc mắc.
Cách học đặc biệt, sự chủ động của Duy cùng với tố chất giỏi đều các môn tự nhiên và niềm đam mê với môn Sinh chính là điểm khiến cô Hiền chú ý để nhắm đào tạo cho em đi thi quốc tế. Thế nhưng chính sự tự tin và cá tính quá mạnh của Duy khiến cô Hiền cũng phải áp dụng những phương pháp đặc biệt.
"Nếu tôi cứ thấy em đứng nhất, nhì lớp rồi khen e rằng em sẽ chủ quan, không giữ được mình. Tôi thậm chí còn có lúc chê em bởi biết tính em hiếu thắng. Lời chê của cô giáo chính là động lực để em tập trung học hơn", cô Hiền nói.
Nhìn vào thành quả của học trò, cô Hiền cảm thấy sự nghiêm khắc của mình là đúng đắn. Duy cũng cảm ơn cô vì đã giúp em hiểu bản thân cần thay đổi gì. Hiện, em đã nộp hồ sơ xét tuyển thẳng vào ngành Y khoa của Đại học Y Hà Nội. Em từng phân vân chuyện đi du học nhưng đã quyết định lựa chọn học trường Y và tìm kiếm cơ hội học tập nước ngoài ở các bậc học cao hơn.