Ý tưởng của chàng sinh viên năm ba, ngành Kỹ thuật điện, xuất sắc vượt qua nhiều đề tài để đoạt giải nhất cuộc thi sinh viên khởi nghiệp Trường Đại học Hồng Đức, đầu tháng 11.
Lần đầu dự thi và giành giải cao, nam sinh chia sẻ, "vẫn còn lâng lâng vui sướng".
Bích cho biết, ban đầu muốn dành ý tưởng chế tạo máy lột vỏ trứng chim cút tự động để làm đề tài nghiên cứu khoa học, tuy nhiên được thầy cô và bạn bè động viên, nam sinh đăng ký tham gia cuộc thi.
Là sinh viên ngành kỹ thuật, Bích thường xuyên tiếp xúc với nhiều loại máy móc, công nghệ. Khi nhận thấy các loại máy lột vỏ trứng chim cút hiện nay tồn tại nhiều hạn chế như năng suất thấp, tỷ lệ dập nát cao... nam sinh nảy ra ý tưởng tự chế tạo loại máy của mình.
"Em muốn chế tạo loại máy mới có thể khắc phục hạn chế của các máy cũ, đồng thời giảm thiểu chi phí sản xuất, thời gian", Bích chia sẻ.
Vừa nảy ý tưởng, nam sinh đã bắt tay vào nghiên cứu, với mong muốn hiện thực hóa ý tưởng thật nhanh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chàng sinh viên lại vấp phải không ít trở ngại. Theo nam sinh, khó khăn lớn nhất khi thực hiện ý tưởng là tìm hiểu thị trường, cách tiếp cận và khả năng thống kê các thông số. Em sau đó được các thầy cô Khoa Quản trị Kinh doanh của trường hỗ trợ kịp thời.
Sau 6 tháng triển khai, Bích hoàn thành ý tưởng. Máy của Bích tiết kiệm gấp đôi thời gian so với cách làm thủ công. Dự kiến trung bình một giờ, có thể bóc được khoảng 5 kg trứng thành phẩm.
Máy được trang bị hệ thống nước tuần hoàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không dính tạp chất. Vật liệu hoàn toàn bằng inox có khả năng chống gỉ sét, mối mọt.
Nguyên lý hoạt động của máy khá đơn giản. Trứng chim cút sau khi luộc chín được cho vào khay chứa, động cơ rung sau đó sẽ chuyển trứng từ khay chứa xuống rãnh bóc vỏ. Tại đây trứng được hai trục quay ngược chiều làm lớp vỏ tách ra. Vỏ trứng rơi xuống khay chứa phía dưới, trứng thành phẩm sẽ theo rãnh bóc tới khay chứa bên ngoài. Hệ thống máy bơm nước sẽ liên tục cấp nước tuần hoàn nhằm rửa sạch tạp chất dính trên những quả trứng thành phẩm.
Theo nam sinh Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, hiện ý tưởng đã được một số doanh nghiệp trẻ tại Thanh Hóa quan tâm, ngỏ ý muốn hỗ trợ để sớm đưa sản phẩm ra thị trường trong khoảng ba tháng tới.
Lê Ngọc Bích là con thứ hai trong gia đình ba chị em ở xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Bố mẹ nam sinh làm nông nghiệp, điều kiện kinh tế gia đình không mấy khá giả.
Trước khi quyết định theo học ngành Kỹ thuật - Công nghệ, Bích từng xét tuyển vào trường quân đội nhưng không đạt điểm. Bích tâm sự, đến giờ, sau ba năm theo học tại Đại học Hồng Đức, em cảm thấy lựa chọn theo khối ngành kỹ thuật là hướng đi đúng đắn, phù hợp với sở trường, đam mê.
Về dự định sắp tới, Bích cho biết trước mắt sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt chương trình đại học. Sau khi tốt nghiệp, nam sinh mong muốn được làm việc tại các nhà máy lớn ở khu kinh tế để học hỏi kinh nghiệm, trau dồi thêm kỹ năng.
"Trong tương lai xa hơn, em muốn thành lập một doanh nghiệp nhỏ ở quê nhà, có thể giúp đỡ gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động vùng nông thôn", nam sinh chia sẻ.
Thầy Lê Đức Đạt - Bí thư Đoàn Thanh niên, Đại học Hồng Đức, cho biết cuộc thi sinh viên khởi nghiệp là hoạt động thường niên của trường với sự đồng hành của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thanh Hóa.
Cuộc thi năm nay thu hút khoảng 200 đề tài nghiên cứu của sinh viên ở các khối ngành khác nhau trên toàn trường. Theo thể lệ, mỗi ý tưởng khởi nghiệp phải trải qua hai vòng và chỉ có 7 ý tưởng tốt nhất được chọn để dự vòng chung kết. Sinh viên đoạt giải sẽ được nhận bằng khen và phần thưởng khích lệ.
"Ý nghĩa của cuộc thi là nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, đồng thời tìm kiếm những ý tưởng xuất sắc để tham dự các cuộc thi có quy mô lớn hơn. Đặc biệt, với những ý tưởng có tiềm năng phát triển, các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ, rót vốn đầu tư", thầy Đạt nói.