Tôi có theo dõi tin tức về việc du học sinh Dương Minh Tuấn bị đánh rồi bị trục xuất về Việt Nam. Nhiều người cho rằng chỉ có thể là Tuấn sai chứ hệ thống quản lý của Australia hiện tại không thể có sai sót. Xin thưa rằng các bạn đã nhầm khi nghĩ vậy.
Để các bạn có điều kiện hiểu thêm về quản lý và thủ tục hành chính, tôi xin chia sẻ câu chuyện của chính tôi.
Về mặt luật pháp, khi bạn nghỉ học không có lý do chính đáng thì thông tin của bạn được báo lên cục quản lý nhập cảnh để huỷ visa. Vì vậy, có khả năng Tuấn bị huỷ visa vì lý do này, tức là nghỉ học để điều trị.
Về lý do tại sao Tuấn bị đánh, tôi sẽ không bàn đến ở đây. Tuy nhiên vấn đề là Tuấn (hoặc người nhà) có báo cáo cụ thể trường hợp của mình lên cục quản lý xuất nhập cảnh Australia không?
Trong những trường hợp nghỉ học do phải nằm viện, thì đây là lý do hoàn toàn chính đáng để gia hạn visa. Ngay cả khi bạn bị bệnh thông thường và đang trong thời gian điều trị chưa khỏi hẳn mà visa hết hạn, bạn vẫn có thể xin gia hạn để điều trị nốt. Làm như vậy hoàn toàn hợp pháp, tất nhiên không đảm bảo là 100% là bạn sẽ được gia hạn, nhưng bạn được phép xin gia hạn.
Để minh hoạ trường hợp nhầm lẫn thông tin, tôi xin kể câu chuyện của tôi. Vợ tôi sang học theo diện học bổng. Học bổng này chính phủ Australia có hỗ trợ tiền trông trẻ với điều kiện hai vợ chồng phải đi làm (hoặc đang tìm việc làm) không có điều kiện trông trẻ.
Chúng tôi tiến hành làm thủ tục đăng ký cháu với cơ quan hỗ trợ (CentreLink). Thông tin và hồ sơ chúng tôi làm theo hướng dẫn của nhân viên trung tâm.
Thông thường sau khi nộp hồ sơ khoảng một tuần thì có kết quả, tuy nhiên chúng tôi đợi mãi tới ba tuần, vợ tôi quyết định gọi điện hỏi. Việc gọi điện tới Centrelink cũng không dễ gì gặp người trực, ít nhất cũng phải 20 phút.
Họ nói rằng chúng tôi thiếu giấy xác nhận tiêm chủng của bé. Tôi khá bực mình vì khi kiểm tra hồ sơ, nhân viên nhận hồ sơ đã nói là đủ và cứ việc chờ.
Sau khi bổ sung hồ sơ, chúng tôi tiếp tục chờ. Nhưng lần này hai tuần vẫn không có thông tin, chúng tôi tiếp tục đi hỏi, nhưng vì mỗi lần hỏi thì lại gặp một người khác và phải trình bày lại từ đầu. Bởi vậy, vợ chồng tôi phải đợi tới ba tuần với hai lần gọi điện (lần nào người ta cũng nói giấy tờ đã đủ, đang xử lý), họ nói rằng tôi vẫn còn thiếu thủ tục nữa, chỉ cần lên ký tại trung tâm là xong.
Thực sự lúc đó chúng tôi không thể bình tĩnh vì sắp hết tiền bởi tôi không có việc làm nên đã nói thẳng (gay gắt) với nhân viên tại quầy rằng chúng tôi cần số đường dây nóng để phản ánh chất lượng dịch vụ của CentreLink.
Sau khi có số đường dây nóng buổi sáng, chúng tôi chưa kịp gọi thì buổi chiều đã có người gọi điện xin lỗi và thông báo các thủ tục đã được hoàn tất.
Câu chuyện chưa kết thúc. Sau một năm hưởng trợ cấp, chúng tôi nhận được giấy thông báo của CentreLink rằng tiền hỗ trợ bị cắt. Chúng tôi liên hệ hỏi thì được biết cháu đã không có thông tin về tiêm chủng (thông tin này phải được cập nhật hằng năm vì có thể cần tiêm thêm theo tuổi). Họ hướng dẫn chúng tôi đi tiêm và sau đó fax bản xác nhận tiêm chủng sang cho họ.
Chúng tôi làm đúng theo hướng dẫn, nhưng câu chuyện tiếp tục lặp lại, mất hai tháng và trường trông trẻ thông báo là họ sẽ ngưng giữ con chúng tôi vì CentreLink không trả tiền cho họ.
Chúng tôi gọi lên rất nhiều lần, trình bày lại nhiều lần. Họ nói vẫn không có thông tin về tiêm chủng, đồng thời họ cứ bắt chúng tôi đọc số thẻ Medicare của cháu để kiểm tra thông tin tiêm chủng. Mà thẻ Medicare chỉ công dân Úc hoặc thường trú mới có thẻ chứ chúng tôi đâu có. Sau khoảng hai tuần, CentreLink có lẽ đã tìm được bản fax nên trả tiền cho trung tâm trông trẻ.
Được khoảng hơn tháng, chúng tôi lại nhận được thư rằng tiền hỗ trợ lại bị cắt. Vợ tôi mang thư lên hỏi người hỗ trợ học bổng tại trường đại học, thì hoá ra họ nói rằng rất nhiều trường hợp bị như chúng tôi, vì phần mềm máy tính cứ thỉnh thoảng lại kiểm tra tự động thông tin trong Medicare, nếu không có sẽ tự động gửi thư và cắt trợ cấp.
Vì sinh viên nhận học bổng này không có thẻ, nên luôn luôn bị cắt sau một thời gian và có rất nhiều lời kêu ca. Người ta đã cử ra một người chuyên phụ trách việc này ở CentreLink (chuyên hỗ trợ học bổng), cứ gọi lên gặp người đó, chứ gặp người khác họ không hiểu.
Và cuối cũng thì chúng tôi đã nhận được thông báo là đã được cấp lại trợ cấp, nhưng tôi không chắc là ba tháng tới có bị cắt không nữa.
Trở lại trường hợp của Tuấn, việc thông tin bị lệch lạc giữa các bộ phận là có thể xảy ra. Trường hợp của tôi, trên thực tế, không phải ai ở CentreLink cũng hiểu rằng tổ chức cấp học bổng hỗ trợ tiền trông trẻ. Hơn nữa, chính sách cũng có thể thay đổi, đồng thời phần mềm và con người không thể ngay lập tức lập trình lại để theo sự thay đổi đó.
Điều quan trọng là không phải chỉ một phần mềm mà có nhiều phần mềm khác nhau như phần mềm trả tiền trợ cấp, phần mềm theo dõi tiêm chủng... Đương nhiên, không phải lúc nào sự liên thông phần mềm cũng suôn sẻ.
Thí dụ có loại học bổng trước kia không được hỗ trợ trông trẻ, giờ lại được, quá trình áp dụng sẽ gặp trục trặc về cả người thực hiện lẫn phần mềm. Hay thủ tướng Gillard quyết định đánh thuế carbon chưa lâu thì nay sắp cắt sau khi Abott đắc cử. Trong thời khắc giao thời đó, các phần mềm kế toán đương nhiên chưa kịp thay đổi.
Ngoài ra, luật bảo vệ thông tin cá nhân không cho phép dữ liệu cá nhân của một người tự động truyền sang các bộ phận khác nhau. Khi một cơ quan chính phủ Úc thu thập thông tin của bạn, họ có hẳn một mục chú thích là những thông tin đó được những cơ quan nào truy cập.
Đơn cử như thông tin bạn khám sức khoẻ trước khi sang Úc, thông tin ấy không bao giờ được chuyển tự động cho bệnh viện hay công ty bảo hiểm, trừ khi có yêu cầu của luật pháp và bạn đồng ý.
Chính vì vậy, tôi nghĩ trường hợp của Tuấn giữa các bộ phận, cơ quan của chính phủ đã có thể có sự lệch lạc thông tin. Để giải quyết, Tuấn nên kiên trì, tìm đầy đủ bằng chứng. Nếu đúng là mình bị đối xử không công bằng, bạn có thể nhờ luật sư trợ giúp.
Điều quan trọng không phải là xin visa, mà phải làm rõ rằng bạn không vi phạm pháp luật, đây là danh dự và tư cách của một con người chứ không phải là chuyện đơn giản đi xin học, ở đâu.
>> Xem thêm: 85.000 người ký tên bênh vực nam sinh Việt bị trục xuất
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.