Tại Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, chàng trai cho biết tham gia vào hội nhóm ăn chay thực dưỡng hai năm để phòng bệnh. Gần đây, sức khỏe bệnh nhân suy kiệt, rối loạn điện giải, sút cân, nhập viện cấp cứu.
Ngày 28/5, bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa, cho biết nam sinh nhập viện trong tình trạng rối loạn lo âu, tâm thần kèm suy kiệt sức khỏe. Người bệnh không thể ăn uống được nên phải nuôi dưỡng bằng tĩnh mạch và ăn xông để cung cấp lại dinh dưỡng.
"Bệnh nhân đang trong độ tuổi phát triển nhưng ăn uống không khoa học gây hại sức khỏe", bác sĩ nói. Ngoài ra, người bệnh mang tâm lý lo sợ bệnh ung thư, bị lôi kéo vào các hội nhóm trong thời gian dài, dần mất đi tư duy độc lập, cuối cùng bị rối loạn tâm thần.
Hiện, bệnh nhân vừa phải điều trị tâm lý, vừa nâng cao thể trạng để hồi phục nhanh.
Chứng rối loạn lo âu bệnh tật (illness anxiety disorder) với đặc trưng chủ yếu bởi nỗi sợ hãi quá mức về việc mắc bệnh. Hiện Việt Nam chưa có thống kê chính thức về số người mắc bệnh này. Người mắc chứng này chỉ dựa vào những cảm giác bình thường của cơ thể hoặc dấu hiệu rất nhỏ như hơi đau đầu hoặc đau bụng, hồi hộp, khó chịu, là đã cho rằng bản thân mang trọng bệnh.
Nhóm này cũng cảnh giác với mọi vấn đề sức khỏe, kiểm tra nhiều lần các dấu hiệu trên cơ thể, không tin tưởng chẩn đoán của bác sĩ. Nhiều người đi khám liên tục để cảm thấy an tâm hoặc ngược lại không đi khám vì sợ phát hiện bản thân mắc bệnh nặng. Nhiều người mạng tìm hiểu thông tin, dẫn đến triệu chứng lo lắng và hoang tưởng nặng nề hơn.
"Với nhóm người trẻ biết cách tiếp cận với nhiều luồng thông tin song cũng dễ bị lôi kéo vào các trào lưu, xu hướng trên mạng xã hội hay tâm lý đám đông nên càng dễ bị rối loạn lo âu, tâm thần", bác sĩ nói.
Để hạn chế tình trạng này, gia đình cần giải thích, định hướng cho trẻ. Khi trẻ có biểu hiện bất thường, bố mẹ cần đưa đến viện điều trị. Lúc này, bác sĩ và gia đình phải đồng hành giúp người bệnh ổn định tâm lý, thoát khỏi hoang tưởng, sớm trở về cuộc sống bình thường.
Thùy An