Trong đoạn video đang được chia sẻ rầm rộ mấy ngày gần đây trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, với hàng trăm nghìn lượt yêu thích và bình luận, chàng trai shipper là người đầu tiên giơ tay đặt câu hỏi với nhà văn mà không cần phiên dịch: "Đặc biệt trong hai tác phẩm Ngày đầu tiên và Đêm đầu tiên, ông có đặt những tình tiết sâu sắc rất được săn đón, trong đó có câu hỏi về nguồn gốc của vũ trụ, niềm tin con người. Vậy xin hỏi, nguồn cảm hứng nào giúp ông tìm những kịch bản tinh tế như vậy?".
Sự tự tin cùng khả năng nói tiếng Pháp trôi chảy của anh shipper khiến nhiều khán giả ngỡ ngàng, trong đó có cả nhà văn Marc Levy. Ông nhanh chóng giải đáp thắc mắc.
Anh chàng shipper đó tên là Huỳnh Hữu Phước, 25 tuổi, sinh viên hệ song bằng (khoa tiếng Pháp và Địa lý) Đại học Sư phạm TP HCM.
Phước kể, hôm 8/11 tình cờ mua được hai cuốn tiểu thuyết cũ Đêm đầu tiên và Ngày đầu tiên, nguyên bản bằng tiếng Pháp của Marc Levy trên đường Trần Nhân Tôn, quận 5, lúc tan làm. Biết tin có buổi giao lưu với tác giả ở đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1 chiều 9/11, anh quyết định nghỉ giao hàng để tới dự.
Sau câu hỏi với tác giả và kết thúc sự kiện lúc 6h chiều, Phước tiếp tục đi giao hàng đến tối muộn mà không ngờ đoạn "bắn" tiếng Pháp với nhà văn của mình bỗng nhiên gây bão trên mạng.
"Có lẽ chiếc áo đồng phục khiến tôi được quan tâm vì nhiều người mặc định shipper là lao động tự do, ít làm việc đầu óc nên việc giao tiếp với người nước ngoài khá lạ lẫm. Nếu mặc bộ đồ bình thường hỏi vài câu tiếng Pháp chắc không ai để ý", anh nói.
Huỳnh Hữu Phước cho biết thêm, trước khi trở thành sinh viên Đại học Sư phạm TP HCM năm 2015, từng học tiếng Pháp từ lớp 1 đến lớp 9. Vài tháng sau khi thành tân sinh viên, biến cố ập đến khiến anh phải đi ở trọ. Ngoài giờ học, Phước đi làm thêm trong quán ăn, tiệm cà phê, trông xe, làm bảo vệ, đi giao hàng để có tiền đóng học, phụ mẹ trang trải chi phí sinh hoạt. Lực học tốt cùng sự chăm chỉ giúp nam sinh có cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học với các giảng viên trong khoa.
Sang năm ba đại học, áp lực kinh tế ngày một lớn khiến Phước làm thêm 2-3 công việc cùng lúc. "Thầy cô trong khoa liên tục giúp đỡ, động viên nhưng tôi không thể đảm đương do gánh nặng kinh tế, buộc phải bảo lưu kết quả học tập từ năm 2019", chàng trai 25 tuổi kể.
Công việc giao hàng bận rộn từ sáng đến đêm nhưng Phước luôn tranh thủ giờ nghỉ trưa chạy xe đến đường Trần Nhân Tôn mua sách cũ, thỏa niềm đam mê văn học Pháp, Anh, Nhật và Trung. Anh nói phải học và đọc sách mỗi ngày để không quên kiến thức, luôn trong tâm thế sẵn sàng trở lại trường nếu muốn theo kịp các bạn. Bên cạnh việc bổ sung kiến thức, Phước đã dịch xong một cuốn sách từ tiếng Pháp nhưng chưa xuất bản.
Ngoài công việc giao hàng làm toàn thời gian, Hữu Phước vẫn ước mơ tốt nghiệp đại học, sau học lên thạc sĩ, trở thành giảng viên hoặc những dịch giả giỏi giống như thầy cô trong khoa, mong có thể hỗ trợ, chắp cánh ước mơ cho sinh viên có hoàn cảnh giống anh vượt khó vươn lên.
Trao đổi với VnExpress chiều 15/11, cô Trần Lê Bảo Chân, Phó khoa tiếng Pháp, Đại học Sư Phạm TP HCM, xác nhận Huỳnh Hữu Phước là sinh viên của khoa nhưng đang bảo lưu việc học do hoàn cảnh gia đình khó khăn.
"Hữu Phước luôn khao khát được đến trường, có ý chí cầu tiến nhưng do hoàn cảnh nên phải tạm dừng ước mơ. Tôi mong em sớm có thể quay trở lại trường để tiếp tục học, tốt nghiệp và đạt được những dự định như mong ước", cô Chân chia sẻ.
Quỳnh Nguyễn