1. Phương pháp tiếp cận dựa trên từ vựng
Từ vựng là một phần quan trọng cấu thành nên ngôn ngữ nên việc tiếp cận từ vựng ngay từ những ngày đầu là hướng đi của rất nhiều người. Phương pháp bắt đầu từ từ vựng chính là cách trẻ em học ngôn ngữ khi còn nhỏ, thông qua việc liên kết một từ bất kỳ với hình ảnh hoặc các đối tượng tương ứng.
Người học sẽ ghi nhớ từ vựng bằng cách liên tưởng đến hình ảnh, đối tượng cụ thể hóa tương ứng và học thuộc. Ví dụ, khi người mẹ chỉ vào những quả bóng có màu sắc khác nhau, trẻ em có thể kể tên màu sắc của từng quả bóng.
Ưu điểm của phương pháp này là việc ghi nhớ từ vựng đạt hiệu quả nhanh chóng, đặc biệt là ở thời điểm học ban đầu. Hình ảnh sẽ giúp người học ghi nhớ từ trực quan, sinh động. Việc học thuộc lặp đi lặp lại sẽ khiến từ ngữ khắc ghi sâu hơn trong trí não và khó bị thay đổi.
Tuy nhiên, phương pháp học này thiếu sự liên kết, tập trung vào ngữ pháp. Người học có thể nắm bắt nhiều từ vựng là tốt, nhưng nếu thiếu kiến thức ngữ pháp sẽ không biết cách sử dụng khối lượng từ mình có.
2. Phương pháp dịch đôi
Phương pháp dịch thuật thường được những người học ngôn ngữ trước năm 1900 sử dụng. Đầu tiên, người học lựa chọn một cuốn sách xuất bản bằng ngôn ngữ đang học và một cuốn từ điển ngôn ngữ mẹ đẻ. Họ kết hợp đọc sách, tra từ điển để giải nghĩa từ hoặc cụm từ khó hiểu và viết lại bản dịch. Sau đó, họ tiếp tục sử dụng từ điển để dịch lại bản dịch sang ngôn ngữ đang học và kiểm tra bản dịch so với bản gốc.
Phương pháp này hữu ích đối với người muốn học đọc, không biết hoặc không có nhu cầu học nghe nói. Người học thường muốn nghiên cứu tài liệu chuyên sâu, chưa thực sự có nhu cầu tự học ngôn ngữ toàn diện.
Vì chỉ tập trung vào đọc hiểu, người học sử dụng phương pháp dịch đôi sẽ không thể tư duy bằng ngôn ngữ học, hạn chế tiếp cận kỹ năng nghe, nói, viết và bị phụ thuộc vào sự chính xác, tin cậy của từ điển.
3. Phương pháp tiếp cận dựa trên ngữ pháp
Phương pháp tiếp cận ngôn ngữ thông qua ngữ pháp thường nằm trong các cuốn sách tự học ngoại ngữ hoặc sách giáo trình cũ. Mỗi chủ đề học sẽ cung cấp một vài từ vựng và quy tắc ngữ pháp cần nhớ để rèn luyện. Người học làm bài tập để đảm bảo nắm rõ cách thức sử dụng ngữ pháp. Các bài học tiếp theo được xây dựng dựa trên từ vựng đã học nhưng áp dụng vào quy tắc ngữ pháp mới.
Mục tiêu của phương pháp tiếp cận dựa trên ngữ pháp là tập trung vào kỹ năng đọc và viết. Khi người học đã nắm vững các quy tắc ngữ pháp sẽ dễ dàng sử dụng từ vựng mới ngoài bài học.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là yêu cầu người học phải học thuộc hoặc nhuần nhuyễn rất nhiều quy tắc ngữ pháp. Họ có thể cảm thấy chán nản, mệt mỏi ở giai đoạn đầu. Sau khi đã nắm vững quy tắc, họ lại có quá ít từ vựng để bắt đầu sử dụng ngôn ngữ.
4. Phương pháp giao tiếp
Đây là phương pháp hiện đại, được sử dụng giảng dạy trong nhiều trường lớp đào tạo ngôn ngữ hiện nay. Học sinh trong một lớp được chia thành các nhóm nhỏ và ôn luyện bài học theo chủ đề, tập trung vào một kỹ năng nhất định như kỹ năng tiếp thu (đọc hoặc nghe), kỹ năng sản xuất (viết hoặc nói). Trọng tâm của phương pháp này là giúp người học tăng tốc trong quá trình tiếp nhận ngôn ngữ, học được toàn diện bốn kỹ năng và có thể áp dụng kiến thức học trong thực tế.
Phương pháp giao tiếp hướng tới nhóm học sinh phổ thông. Khi đã có nền tảng vững chắc, các em có thể tiếp tục học cao hơn hoặc sử dụng trong đời sống sinh hoạt thông thường.
Ngược lại, vì tập trung vào bốn kỹ năng, tiến trình học có thể chậm hơn các phương pháp khác. Các lớp học thường được điều chỉnh dựa theo trình độ trung bình chung của lớp nên những em học giỏi có thể cảm thấy nhẹ còn những em học yếu lại cảm thấy quá sức.
5. Phương pháp đắm mình
Không thông qua tài liệu, sách vở, đắm mình trong ngôn ngữ là phương pháp trải nghiệm học dựa trên thực tế đời sống. Ví dụ nghe nhạc, nghe đài, xem chương trình truyền hình, phim ảnh bằng ngôn ngữ đang học hoặc du lịch đến quốc gia sử dụng ngôn ngữ học và giao tiếp với người bản ngữ để rèn luyện.
Lợi thế lớn nhất của phương pháp này là không cần dùi mài sách vở. Thông thường, người học phải ghi nhớ, học thuộc từ vựng hay quy tắc ngữ pháp. Nhưng khi đắm mình trong ngôn ngữ, họ để mọi thứ chảy trôi tự nhiên vào não bộ và tiếp nhận bằng các giác quan. Đây là phương pháp học ngoại ngữ được khuyến khích cho trẻ nhỏ vì chưa biết mặt chữ, có thể học ngôn ngữ theo cách tự nhiên bằng những hoạt động thường nhật.
Nhược điểm của phương pháp này là hạn chế kỹ năng đọc.
Tú Anh (Theo Matador Network)