Một số nghiên cứu chỉ ra 40% học sinh trung học Mỹ có ít hoặc hoàn toàn không hứng thú với trường học. Đối với nhiều trẻ, việc học quá nặng nề, không có gì thú vị mà chỉ toàn áp lực về thành tích, điểm số. Ngay cả với những đứa trẻ có thành tích học tập xuất sắc cũng chẳng mấy mặn mà với việc học.
Vậy người lớn phải làm sao để gieo trồng lại niềm đam mê học tập cho trẻ? Dưới đây là 5 lời khuyên tuy đơn giản nhưng hữu ích phụ huynh có thể làm.
Cho trẻ học sớm và thường xuyên truyền cảm hứng
Trẻ nhỏ thường bị hấp dẫn bởi mọi thứ, có thể là trò chơi xếp hình, nghịch cát... hay đôi khi chỉ nhìn chằm chằm vào bàn tay mình. Dựa theo sự tò mò, cha mẹ có thể truyền cảm hứng học cho con bằng nhiều cách.
Chẳng hạn cho trẻ xem tranh ảnh xe cộ, những đồ vật trong nhà rồi đặt những câu hỏi khuyến khích khả năng tư duy: "Con thấy vật này có hình dạng gì? Hình tròn hay hình vuông?".
Ngoài ra, cho trẻ đi chơi, tiếp xúc với thế giới bên ngoài cũng là cách tuyệt vời để truyền cảm hứng học tập. Bố mẹ có thể dắt trẻ đi bộ, đi tham quan bảo tàng, rồi chỉ những sự vật, sự việc nhìn thấy trên đường. Những cuộc trò chuyện sẽ giúp khơi gợi sự tò mò, cũng như giúp trẻ có thêm kiến thức bổ ích.
Đọc sách cho con là một trong những phương pháp hay, giúp đặt nền tảng cho việc đọc, viết của trẻ. Phụ huynh cũng nên sử dụng thêm các phương tiện truyền thông như các video trên Youtube để cung cấp kiến thức cho trẻ.
Ngày nay, trẻ hoàn toàn có thể trau dồi thêm tiếng Anh, kiến thức sống hữu ích nhờ các video dạy học, chia sẻ trên Youtube. Khi cho trẻ tiếp xúc với các kênh truyền thông, bố mẹ nên ngồi cạnh, đảm bảo nội dung xem phù hợp với lứa tuổi.
Khuyến khích trẻ tự tư duy
Khi có vấn đề gì đó thắc mắc và không thể tìm ra lời giải, mọi người thường lên các công cụ tìm kiếm như Google tra luôn đáp án. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến trí óc dần bị thụ động và phụ thuộc nhiều vào công nghệ.
Thay vào đó, nếu có một vấn đề khó, thay vì lập tức lên mạng tra, bạn hãy ngồi cùng trẻ thảo luận, nghĩ cách giải quyết vấn đề. Cha mẹ hãy cho trẻ tham khảo sách vở, tài liệu để nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về chủ đề đang khúc mắc.
Ngay cả khi trẻ mắc sai lầm trong quá trình học tập thì cũng đem lại những trải nghiệm thú vị, giúp trẻ có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong những lần sau.
Lắng nghe ý kiến của trẻ
Khi một vấn đề xảy ra, người lớn thường biết rõ đáp án. Nhưng thay vì trở thành chuyên gia trước mặt trẻ, bạn nên lắng nghe ý kiến, cùng trẻ khám phá. Câu hỏi "Con nghĩ gì về việc này?" sẽ thúc đẩy được tư duy, cũng như suy nghĩ của trẻ về sự vật, sự việc.
Hãy để trẻ được bày tỏ ý kiến, đừng vội phản bác hay đưa ra các quan điểm trái ngược. Và nếu như quan điểm của trẻ là sai, lúc đó bố mẹ mới từ từ gỡ rối, giải thích, lập luận cho trẻ hiểu. Bằng cách này, bố mẹ sẽ truyền cảm hứng học tập, khám phá kiến thức mới cho trẻ.
Phát triển các kỹ năng mềm
Phụ huynh luôn muốn con giỏi toán, giỏi văn, các môn khoa học..., nhưng cũng cần nuôi dưỡng, phát triển cho con các kỹ năng mềm thiết yếu như lòng tốt, sự đồng cảm và kiên trì. Những điều này sẽ giúp trẻ trưởng thành tốt, có nhân cách đáng ngưỡng mộ.
Hãy dạy con cách chịu trách nhiệm về những sai lầm của mình, cũng như cách sửa đổi và sự tự nhận thức về điểm mạnh cũng như điểm yếu của bản thân. Ngoài ra, bạn có thể cho trẻ xem những bộ phim, chương trình truyền hình có nội dung tích cực để truyền cảm hứng.
Khuyến khích trẻ tự chủ
Phụ huynh hãy để trẻ thử những lĩnh vực yêu thích, dù thành công hay thất bại thì chúng đều có trải nghiệm và bài học đắt giá.
Ngoài những môn học ở trường, trẻ có thể theo đuổi đam mê, sở thích của mình, chẳng hạn sửa xe, nấu ăn, hội họa... Quá trình tự học, tự nhận thức sẽ giúp trẻ hiểu hơn về bản thân, biết cách tiếp cận các chủ đề cũng như hoàn cảnh mới.
Thanh Hương (Theo Huffpost)