Đạo diễn Bảo Nhân, Nam Cito đang thực hiện phim "Hoàng hậu cuối cùng", gây chú ý với khán giả khi là phim điện ảnh đầu tiên về cuộc đời Hoàng hậu Nam Phương. Giữa tháng 7, đoàn phim công bố tuyển diễn viên chính, tái hiện chân dung bà từ cuộc hôn nhân cùng vua Bảo Đại đến giai đoạn hoàng gia rời khỏi Đại nội. Phim dự kiến bấm máy năm 2025, được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ, tạo điều kiện quay ở quần thể di tích Huế. Dịp này, trên nhiều diễn đàn, tư liệu về cuộc đời hoàng hậu được nhiều độc giả tìm kiếm. Trong ảnh: Hoàng hậu Nam Phương cầm hoa do bà Hoài Ân Vương phi (trái) - vợ hoàng thân Bửu Liêm trao trong đoàn rước dâu, chuẩn bị lễ tấn nội đình, đăng trên tạp chí L'Illustration năm 1934. Khoảnh khắc được giới thiệu trong sách "Nam Phương Hoàng hậu: Vị Quốc mẫu tân thời qua tư liệu báo chí (1934-1945)" của tác giả Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM phát hành tháng 9/2023. Hoàng hậu Nam Phương mặc triều phục. Trong hơn 10 năm tại vị, sự nghiệp Nam Phương hoàng hậu bao trùm trên nhiều mặt. Bà trở thành nguồn cảm hứng cho phong trào phụ nữ dấn thân vào xã hội, học tập, làm việc và phát triển bản thân. Khoảnh khắc hoàng hậu mặc áo dài qua tư liệu của bảo tàng Hamburg (Đức). Bằng học thức và tài năng, Nam Phương hoàng hậu hỗ trợ hoàng đế trong công việc và đời sống. Nam Phương hoàng hậu thường chuộng trang phục áo dài với họa tiết thanh lịch, gam màu nhã nhặn. Ảnh: Bảo tàng Hamburg Nét đẹp của bà từng chinh phục vua Bảo Đại trong lần đầu gặp năm 1932. Ông từng cho biết: "Cô Lan (tên thật của Nam Phương hoàng hậu) có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ, làm tôi say mê". Hoàng hậu Nam Phương được tặng hoa. Theo sách "Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng" của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang (ra mắt năm 2018), dù hôn nhân không êm ấm, bà vẫn luôn một lòng một dạ chăm sóc con cái, chung thủy với chồng, sống đúng với bốn chữ "công - dung - ngôn - hạnh". Vua Bảo Đại cùng Nam Phương hoàng hậu trên tạp chí Pháp Le Pèlerin tháng 7/1939. Sau khi gặp nhau lần đầu ở Đà Lạt, ông chọn bà làm người sát cánh trên cương vị "Đại Nam thiên tử" vì bà dung mạo hơn người, tính hạnh thuần hậu, thuộc gia đình trâm anh, có học thức. Bà là bạn đời, bạn đồng hành với hoàng đế - điều hiếm có trong lịch sử 143 năm triều Nguyễn. Vua Bảo Đại trên tờ Le Monde colonial illustré tháng 5/1934. Bức ảnh vua Bảo Đại tại Pháp năm 1930, được lưu giữ trong thư viện số của Thư viện Quốc gia Pháp. Hoàng hậu Nam Phương (thứ ba từ trái qua) và vua Bảo Đại (thứ năm từ trái qua) trong buổi giới thiệu thái tử Bảo Long, tháng 2/1936, đăng trong sách "Hoàng gia và Chức sắc Đông Dương", xuất bản năm 1943. Thái tử Bảo Long năm ba tuổi. Ông Nguyễn Phúc Bảo Long (1936-2007) là hoàng thái tử cuối cùng của Việt Nam. Ông có một em trai là hoàng tử Bảo Thăng, ba em gái là công chúa Phương Mai, Phương Liên và Phương Dung. Ảnh: Le Monde colonial illustré Nam Phương Hoàng hậu cùng thái tử Bảo Long (phải) và con út - hoàng tử Bảo Thăng. Theo sách "Hoàng hậu Nam Phương qua một số tư liệu chưa công bố" phát hành năm 2023, sau khi đưa các con sang Pháp định cư, bà vẫn luôn nhớ về những món ăn dân dã quê nhà, như bánh tráng khoai, bánh hỏi phơi khô, nước mắm, chả lụa. Ảnh: Bảo tàng Hamburg Mai NhậtẢnh: NXB Tổng hợp TP HCM cung cấp