"Một số quốc gia, trong đó có chúng tôi, đang bị đe dọa áp trừng phạt vì theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và chọn lập trường không đứng về bên nào", Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết trong bài phát biểu ở ngoại ô thành phố Johannesburg ngày 25/5.
Theo ông Ramaphosa, Nam Phi sẽ tiếp tục duy trì quan điểm kêu gọi giải quyết xung đột một cách hòa bình, bất kể xung đột xảy ra ở đâu.
Tổng thống Ramaphosa thêm rằng Nam Phi quyết không để bị cuốn vào bất kỳ cuộc cạnh tranh nào giữa các cường quốc thế giới. "Châu Phi có ký ức đau buồn khi các cường quốc thế giới châm ngòi chiến tranh ủy nhiệm tại đây trong quá khứ và không muốn trở lại thời kỳ đó thêm lần nữa", ông Ramaphosa nói.
Đại sứ Mỹ tại Pretoria Reuben Brigety ngày 11/5 nói vũ khí và đạn dược đã được chuyển lên một tàu hàng, dường như của Nga, neo đậu ở căn cứ hải quân Simon's Town của Nam Phi hồi tháng 12/2022. Chính phủ Nam Phi bác bỏ cáo buộc.
Bộ trưởng Tài chính Nam Phi hôm 14/5 nói nước này đã "giải quyết xong" với Mỹ về cáo buộc nêu trên. Trước khi Pretoria và Washington hạ nhiệt căng thẳng, giới phân tích đã cảnh báo Nam Phi có thể mất các ưu đãi thương mại khi tiếp cận thị trường Mỹ, khiến đồng rand mất giá so với USD.
Quan hệ giữa Mỹ và Nam Phi phần nào đã bị ảnh hưởng sau khi nước này từ chối lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nam Phi, với kim ngạch hai chiều năm 2022 là 23,3 tỷ USD. Con số này của Nam Phi và Nga là 850 triệu USD, theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ông Ramaphosa tháng 3/2022 cho biết Nam Phi đã được đề nghị "giữ vai trò trung gian" trong xung đột Nga - Ukraine. Ông không nêu rõ bên nào đề nghị, chỉ nói đây là cách tiếp cận dựa trên các mối quan hệ với Nga và với tư cách thành viên khối BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Nam Phi ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan từ khi ICC phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng ba. Ông Putin được cho là sẽ dự hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15, diễn ra tại Nam Phi vào tháng 8.
Về mặt lý thuyết, quyết định từ ICC yêu cầu 123 nước thành viên, trong đó có Nam Phi, bắt Tổng thống Putin và chuyển đến The Hague, Hà Lan để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ.
Nga gọi lệnh bắt của ICC là vô nghĩa. Mỹ và Nga từng tham gia ICC nhưng đã rút lui và không công nhận cơ quan này. Một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ không tham gia và không công nhận thẩm quyền của ICC. Hai quan chức Bộ Ngoại giao Nam Phi hồi tháng ba nói khả năng cao họ sẽ không bắt bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào đến thăm nước này.
Như Tâm (Theo Bloomberg)