Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 17/3 ban hành lệnh bắt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Tổng thống phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belov với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga.
Đây là một trong nhiều cáo buộc về "tội ác chiến tranh và chống lại loài người" được đưa ra trong hơn một năm qua nhắm vào Nga, kể từ khi nước này phát động chiến dịch ở Ukraine. Moskva đều kiên quyết phủ nhận các cáo buộc này.
Thông tin về hoạt động đưa trẻ em Ukraine tới Nga đã xuất hiện trước cả khi xung đột bùng phát hồi tháng 2/2022. Theo báo cáo "Chương trình có hệ thống của Nga về Cải tạo và Nhận nuôi Trẻ em Ukraine" do các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale hợp tác với Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện, chính phủ Nga được cho là đang điều hành một mạng lưới nhận nuôi hàng nghìn trẻ em Ukraine.
Nhóm chuyên gia Đại học Yale cho biết họ đã xác minh được ít nhất 6.000 trẻ em Ukraine đang ở Nga và chính quyền Nga hiện duy trì 43 cơ sở chăm sóc các em. "11 cơ sở trong số đó nằm cách biên giới Ukraine hơn 800 km", theo báo cáo từ cuộc điều tra của Đại học Yale.
Hồi cuối tháng 1, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn nguồn tin từ các cơ quan hành pháp cho hay khoảng 733.000 trẻ em Ukraine đã tới lãnh thổ nước này kể từ khi xung đột bùng phát, phần lớn đi cùng gia đình. Hiện không rõ bao nhiêu trẻ em trong số này không đi cùng cha mẹ.
Ngày 20/1, Ủy viên Tổng thống phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belov xác nhận khoảng 380 trẻ em mồ côi từ 4 tỉnh Ukraine mà Nga sáp nhập đã được trao cho các gia đình Nga nhận nuôi.
Nathaniel Raymond, giám đốc điều hành Phòng Nghiên cứu Nhân đạo Yale, cho hay độ tuổi của những đứa trẻ Ukraine được đưa đến Nga rất đa dạng, từ thiếu niên đến trẻ mới biết đi.
"Những chuyến di chuyển trẻ em đầu tiên diễn ra vào đầu tháng 2/2022, gồm một nhóm 500 trẻ mồ côi được Nga sơ tán khỏi vùng Donetsk, nơi phe ly khai thân Nga kiểm soát. Lý do được đưa ra công khai lúc bấy giờ là chính quyền Nga lo sợ về mối đe dọa từ các cuộc tấn công của quân đội Ukraine vào vùng ly khai", báo cáo có đoạn. Một số trẻ em Ukraine sau đó được các gia đình Nga nhận nuôi.
Chính phủ Ukraine và các quan chức nhân quyền cấp cao của Liên Hợp Quốc đã liên tục cảnh báo về hoạt động này kể từ những ngày đầu chiến sự, nhưng nó chỉ thực sự được chú ý đến vào tháng 5/2022, khi Tổng thống Putin ban hành một sắc lệnh mới cho phép các gia đình Nga nhận trẻ em Ukraine làm con nuôi nhanh chóng và dễ dàng, điều gần như bất khả thi trước xung đột.
Ngoài ra, giới chức Nga còn thông báo sẽ tăng trợ cấp cho các gia đình Nga nhận trẻ em Ukraine làm con nuôi. Gói hỗ trợ lớn nhất, lên tới 1.000 USD, được chi cho những gia đình nhận nuôi trẻ khuyết tật.
Các nhà nghiên cứu Đại học Yale bắt đầu điều tra hoạt động di chuyển trẻ em Ukraine khi những bài đăng đầu tiên về vấn đề này xuất hiện trên mạng xã hội Nga vào năm ngoái, cùng thời điểm Tổng thống Putin ban hành sắc lệnh về nuôi dưỡng trẻ em Ukraine.
"Nơi đầu tiên chúng tôi nhìn thấy thông tin là trên Telegram, sau đó là tới VK", một nhà nghiên cứu giấu tên tham gia vào cuộc điều tra nói. VK là mạng xã hội của Nga, tương tự Facebook. "Chúng tôi nhanh chóng nhận thấy lượng thông tin khổng lồ được công khai về vấn đề này".
Chuyên gia Đại học Yale tiến hành điều tra bằng cách kết hợp các kỹ thuật nghiên cứu nguồn mở với hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao để đưa ra phân tích, đánh giá.
Khoảng 20 nhà nghiên cứu lùng sục các bài đăng trên mạng xã hội, bản tin, thông báo từ chính phủ và các dịch vụ nhắn tin của Nga, tìm kiếm những câu chuyện hay mối liên kết ít được chú ý.
Với tư cách đối tác của Cơ quan Giám sát Xung đột thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Phòng Nghiên cứu Nhân đạo Yale được phép truy cập hình ảnh vệ tinh từ Cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia Mỹ, chìa khóa để các nhà điều tra lập bản đồ vị trí những cơ sở tiếp nhận trẻ em Ukraine trên lãnh thổ Nga.
"Qua ảnh vệ tinh, bạn có thể thấy con người, xe cộ và một số loại hoạt động nhất định", nhà nghiên cứu tại Đại học Yale nói. "Trong thời gian sống tại các cơ sở nuôi dưỡng, những đứa trẻ Ukraine được tiếp xúc với lượng lớn tài liệu giáo dục về lòng yêu nước Nga".
"Những gì chúng tôi thấy là chính phủ và giới lãnh đạo Nga đang đào tạo và truyền bá tư tưởng cho một thế hệ trẻ em Ukraine", người này nói.
Báo cáo từ Đại học Yale cho hay có 37 trẻ em Ukraine đã được Nga đưa trở về với gia đình. Tuy nhiên, hàng nghìn đứa trẻ mà Nga vẫn giữ lại trên lãnh thổ nước này có thể cấu thành tội ác chiến tranh, theo Nataniel Raymond. "Về cơ bản, đây là hành động kiểm soát trái phép hàng nghìn trẻ em Ukraine. Điều đó không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại các nguyên tắc thông thường", ông nói.
Ngoài Phòng nghiên cứu Nhân đạo Yale, Ủy ban Điều tra Quốc tế Độc lập về Ukraine thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng đang theo dõi hoạt động di chuyển trẻ em Ukraine của Nga.
Lệnh bắt vừa được ICC ban hành là động thái phản ứng đầu tiên liên quan đến cáo buộc "tội ác chiến tranh" của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, việc thực thi lệnh bắt này được cho là gần như bất khả thi, khi Nga không công nhận ICC và không phải quốc gia thành viên nào cũng sẵn sàng tuân thủ lệnh bắt một nguyên thủ quốc gia.
Sau khi báo cáo từ Đại học Yale được công bố, Đại sứ quán Nga tại Washington khẳng định chính quyền nước này đang "làm mọi việc trong khả năng" để bảo vệ và bảo đảm an toàn cho trẻ em Ukraine ở vùng chiến sự.
"Nga đã tiếp nhận những đứa trẻ phải chạy trốn cùng gia đình khỏi các cuộc pháo kích của quân đội Ukraine. Chúng tôi cố gắng hết sức để giúp những đứa trẻ vị thành niên được ở bên gia đình, và trong trường hợp cha mẹ hay người thân vắng mặt hoặc qua đời, chúng tôi sẽ giám hộ những đứa trẻ mồ côi. Chúng tôi đảm bảo bảo tính mạng và sức khỏe cho các em", Đại sứ quán Nga viết trên Telegram.
Thông báo từ Đại sứ quán cũng kêu gọi Washington đưa ra "đánh giá đầy đủ" về ảnh hưởng của những hành động từ phía Ukraine đối với trẻ em trong cuộc xung đột.
Giới chức Nga từ trước tới nay không phủ nhận việc đưa trẻ em Ukraine tới nước này, song nhấn mạnh những cơ sở nuôi dưỡng của họ là một phần thuộc dự án nhân đạo dành cho trẻ mồ côi bị bỏ rơi, bị tổn thương do xung đột và hoàn toàn được công khai.
Tháng ba năm ngoái, Ủy viên Lvova-Belova cho biết hơn 1.000 trẻ em Ukraine đang ở Nga. Tới mùa hè, bà thông báo rằng 120 gia đình Nga đã nộp đơn xin giám hộ và 130 trẻ em Ukraine đã nhận được quốc tịch Nga. Nhiều trẻ em Ukraine vẫn tiếp tục được đưa đến Nga, trong đó có một đợt vào đầu tháng 10/2022 với 234 em.
Lvova-Belova khẳng định những đứa trẻ này cần nhà chức trách Nga giúp đỡ để vượt qua chấn thương khiến chúng mất ngủ, khóc về đêm và thoát khỏi cảnh phải chui rúc dưới hầm tránh bom.
Bà thừa nhận rằng ban đầu, một nhóm 30 trẻ được đưa từ thành phố Mariupol, vùng Donetsk, miền đông Ukraine, đến Nga, tỏ ra miễn cưỡng. Nhưng bây giờ, những lời than phiền đã biến thành "tình yêu dành cho Nga" và bản thân bà cũng đã nhận nuôi một thiếu niên Ukraine.
Với một số gia đình Nga, nhận nuôi trẻ mồ côi Ukraine là một món quà.
Năm ngoái, một phụ nữ chuyên nhận nuôi trẻ mồ côi được Sở Phúc lợi Xã hội Moskva gọi tới để gặp những đứa trẻ mới đến từ Ukraine. Cô đã nhận nuôi 6 đứa trẻ, một số bị khuyết tật. Dù vậy, cô vẫn quyết định nhận nuôi thêm ba đứa trẻ từ Mariupol.
"Những đứa trẻ này cần được yêu thương, quan tâm, chăm sóc, cần gia đình, bố và mẹ. Nếu chúng ta có thể, tại sao lại không làm điều đó?", cô nói.
Người phụ nữ cho biết cô đã liên lạc với mẹ nuôi người Ukraine của bọn trẻ, nhưng phía bên kia không muốn nói chuyện. 3 đứa trẻ cũng nói rằng chúng không muốn liên lạc với người mẹ nuôi cũ và cuộc sống trước đây vô cùng gò bó.
Theo lời các em, người mẹ nuôi Ukraine đã bỏ chúng lại một căn hầm trú ẩn ở Mariupol. Quân đội Nga đưa các em ra và ba đứa trẻ phải chọn giữa việc đến sống tại trại mồ côi hay được một gia đình Nga nuôi dưỡng.
Sau phiên tòa xét quyền giám hộ ở Mariupol, người mẹ Nga nhận được quyền nuôi con. "Chúng tôi không nói về cuộc chiến", cô cho hay. "Chính trị là chính trị, không phải việc của chúng tôi".
Tổng thống Putin tới nay chưa lên tiếng về lệnh bắt của ICC, dù phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga và Điện Kremlin đều bác bỏ động thái này của tòa án.
Theo bình luận viên Deborah Amos của NPR, trong các cuộc điều tra của ICC, bằng chứng thuyết phục là yếu tố tối quan trọng để có thể đưa đến quyết định truy tố.
ICC có thể dựa vào các dữ liệu như lời khai của nhân chứng, ảnh vệ tinh hay video, song chúng đều phải đáp ứng tiêu chuẩn và quy trình quốc tế về truy tố hình sự, đặc biệt là trong các sự việc liên quan đến nguyên thủ quốc gia như ông Putin.
Vũ Hoàng (Theo Sputnik, NPR, Conversation, AP)