-
9h30
Dân đảo Cồn Cỏ xuống hầm trú ẩn
Có mặt tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia Lê Thanh Hải thông tin, bão đang đi vào vùng giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Sức gió tại Kỳ Anh khoảng cấp 10, giật cấp 11.
Nằm trên đường đi của bão, đảo Cồn Cỏ gió mạnh cấp 11-12. "Toàn bộ người dân huyện đảo đã được xuống hầm trú ẩn để đảm bảo an toàn", ông Hải thông tin.
Cồn Cỏ vốn là đảo quân sự.
-
9h40
Quảng Bình mất điện, nhiều cây ngã đổ
Các huyện ven biển Quảng Bình đang có gió mạnh cấp 11. Tiếng gió rít liên hồi, mưa xối xả, tầm nhìn hạn chế. Người đi lại trên đường phải cúi thấp để tránh gió. Một số biển quảng cáo, cây cối bị kéo đổ.
Tại TP Đồng Hới, nhiều khu vực mất điện. Công sở, trường học, chợ đóng cửa. Người dân được khuyến cáo ở trong nhà. “Không biết bão đã vào hay chưa, mưa rất to, cây cối gãy đổ, tôi không có cách gì cập nhật được thông tin”, ông Chữ ở phường Bắc Lý thông tin.
Gió rít liên hồi tại tâm bão Quảng Bình.
Trước đó tại xã Quảng Phú (Quảng Trạch, Quảng Bình), lực lượng biên phòng Roòn đến từng nhà dân ở sát biển, nhà cấp 4 nhắc nhở bà con không chủ quan, kê dọn đồ đạc, xe máy và di chuyển đến nơi kiên cố. Đồn biên phòng chuẩn bị 2 tấn gạo, mì tôm dự trữ.
Anh Trần Văn Tiến cho biết đã giằng néo nhà cửa chắc chắn. Để đảm bảo an toàn, anh Tiến đưa vợ con lên đồn biên phòng Roòn tránh trú.
Biên phòng nhắc nhở dân tránh bão.
-
9h50
Hà Tĩnh gió tăng cấp, bão sắp đổ bộ
Tại cảng Vũng Áng, xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trời mưa xối xả, cây cối nghiêng ngả vì gió. Người dân đi xe máy ngoài đường phải rất chậm, đầu cúi thấp. Một số mái tum nhà cao tầng, mái ngói nhà cấp bốn bị tốc.
"Tôi ở đây 13 năm, thấy đây là cơn bão lớn nhất. Tuy bão chưa vào nhưng sức gió khủng khiếp. Gia đình gồm 3 thành viên đã được đưa lên đồn công an sơ tán", ông Nguyễn Mông Tô (50 tuổi) nói.
Có mặt tại đồn công an Vũng Áng, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo phải tập trung lực lượng giúp người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
-
10h00
Quảng Bình hứng gió mạnh
Lúc 10h, tâm bão ngay trên bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình, sức gió mạnh nhất cấp 11-12 (tối đa 133 km/h), giật cấp 14-15.
Nằm sát biển, Đồn biên phòng Roòn, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, ghi nhận gió mạnh cấp 11-12.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, cho hay có một sản phụ trở dạ ngay lúc bão đổ bộ. Xã huy động phương tiện đưa sản phụ nhập Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình an toàn.
-
10h10
Thanh Hóa sóng biển cao 2-3m
Dù không là tâm bão nhưng sóng biển tại Sầm Sơn (Thanh Hoá) khá mạnh do đúng lúc triều cường dâng cao. Từng đợt sóng cao 2-3 m liên tục táp vào bờ khiến nước biển tràn lên đường Hồ Xuân Hương - tuyến đường ven biển lớn nhất TP Sầm Sơn.
Địa phương đang có mưa diện rộng, gió khoảng cấp 5-6. Trừ tàu bè đã vào nơi tránh trú an toàn, hầu hết hoạt động của người dân vẫn diễn ra bình thường. Giao thông chưa có nơi nào bị chia cắt. Lo ngại hoàn lưu bão gây ngập lụt, trên các cánh đồng, người dân đang khẩn trương thu hoạch lúa mùa.
Ông Trịnh Xuân Cảnh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục cho hay, sáng nay học sinh các cấp vẫn đến trường bình thường. Riêng hai huyện Hậu Lộc và Thọ Xuân đã cho tất cả học sinh khối THPT và Giáo dục thường xuyên nghỉ để giúp gia đình thu hoạch lúa.
-
10h20
Dự báo nam đèo Ngang hứng tâm bão đầu tiên
Rìa bão cập bờ lúc 10h, nhưng khoảng một tiếng sau tâm bão mới vào đất liền. Dự báo nam đèo Ngang thuộc địa phận Quảng Bình sẽ là khu vực đầu tiên hứng bão Doksuri. Với sức mạnh cấp 11-12, bán kính gió mạnh sẽ phủ khắp Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
-
10h30
Nghệ An sơ tán 16.000 người tránh bão
Nằm ở rìa tâm bão, Nghệ An mưa giông từng cơn kèm gió mạnh, đường phố vắng vẻ. Sóng biển tại Cửa Lò cao khoảng 3 m.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp cho biết đến hơn 10h Nghệ An di dời được 3.900 hộ với hơn 16.000 nhân khẩu ở thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai, các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu đến trụ sở ủy ban, trường học hoặc nhà dân kiên cố.
Được cán bộ phường chở đến tránh bão tại trường tiểu học Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò), bà Lương Thị Thái (74 tuổi) cho biết, đây là lần thứ ba ông bà đi trú bão. "Được đưa tới đây tôi cảm thấy yên tâm hơn", bà Thái tâm sự.
-
10h50
Quảng Bình cấm phương tiện lưu thông qua tỉnh
Hàng loạt huyện thị ở Quảng Bình mất điện. Nhiều cột điện, viễn thông bị đổ nên liên lạc tới vùng tâm bão rất khó khăn.
Để phòng tránh nguy hiểm, Phòng cảnh sát giao thông Quảng Bình đã cử người chốt chặn phía nam Quảng Bình, hướng dẫn các xe dừng, đậu đỗ tránh tâm bão. Phương tiện từ phía bắc được chặn lại ở Nghệ An, Hà Tĩnh.
Gió bão ở xã Quảng Phú (Quảng Trạch, Quảng Bình).
-
11h00
Hà Tĩnh mất điện, liên lạc đứt quãng, tháp truyền hình gãy đổ
Gió rú lên từng hồi tại đồn biên phòng khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh), quật đổ nhiều cây cối và làm tốc mái nhà khu tập thể của công ty Lilama.
Hầu khắp huyện thị ven biển bị mất điện. Cột phát sóng huyện Kỳ Anh bị đổ. Mạng Internet, sóng điện thoại chập chờn.
Tháp truyền hình Kỳ Anh bị quật đổ.
1.000 hộ dân ven biển được sơ tán trước giờ bão đổ bộ. Tại thành phố Hà Tĩnh, một số tuyến phố bị ngập, hàng loạt cành cây gãy chắn ngang đường.
-
11h10
Các huyện ven biển Quảng Bình tạm thời lặng gió do tâm bão đi qua
Quảng Bình đón tâm bão Doksuri đầu tiên. Ghi nhận tại xã Quảng Phú, sát đèo Ngang, trời hửng sáng, mưa bớt xối xả, gió giảm.
Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia Lê Thanh Hải giải thích trong khoảng 30 km vùng tâm bão, thời tiết hầu như bình yên nên nhiều người tưởng bão tan. Nhưng chỉ khoảng 30-60 phút nữa, khi tâm bão đi qua, mưa gió sẽ nổi lên mạnh hơn, nguy hiểm hơn.