Trần Trung Hiếu (32 tuổi, nhiếp ảnh gia tự do ở Hội An) vừa có chuyến đi Nepal từ đến 1 đến 22/10, trong đó có 14 ngày chinh phục cung Annapurna Circuit (AC). Tuy nhiên, Hiếu gặp thời tiết xấu nửa thời gian, trong đó có 5 ngày bị chôn chân gần như tại chỗ vì tuyết quá dày, một trải nghiệm không thể quên trong đời.
![5 ngày mắc kẹt trên núi tuyết ở Nepal](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2022/10/25/-6698-1666688089.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=r9KHJWXFOUIgkZP-f9HnrA)
Trần Trung Hiếu (32 tuổi, Hội An) làm nhiếp ảnh tự do, đam mê du lịch, nhiếp ảnh và chạy bộ.
Trong gần nửa tháng, Hiếu đã chinh phục chặng đường dài gần 200 km của cung AC, trung bình mỗi ngày đi bộ khoảng 15 km. Hiếu đánh giá nếu điều kiện thời tiết bình thường, đây là cung leo tương đối "dễ thở" với người từng thử sức bộ môn này. Cung đường vòng quanh khối núi Annapurna nên không thể lạc. Người leo có thể tự túc nếu đủ sức khỏe.
Nepal là quốc gia hội tụ các cung leo núi đẹp thu hút các tín đồ xê dịch khắp thế giới với các tuyến như dãy Himalaya, Everest Base Camp (EBC) hay Annapurna Base Camp (ABC), khá phổ biến với du khách Việt. Trong khi đó, Annapurna Circuit (AC) ít người lựa chọn hơn vì cần nhiều thời gian, trung bình mất 14 đến 16 ngày, chưa kể việc di chuyển đến Nepal.
"Dù ít phổ biến hơn, AC là một cung đáng trải nghiệm, bởi ngoài cảnh quan hùng vĩ đến nghẹt thở, hành trình còn đi qua rất nhiều ngôi làng mang vẻ đẹp nguyên sơ của người bản địa và thời gian đủ dài để thử thách bản thân", Hiếu nói về lý do chọn AC cho chuyến xuất ngoại đầu tiên sau 2 năm Covid-19.
Với Hiếu, AC đặc biệt nhất ở chỗ mỗi ngày cảnh và địa hình đều thay đổi, không ngày nào giống ngày nào. "Hành trình như một cuốn phim, AC đưa mình từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Mình đi băng qua rừng thông hít thở hương thơm, rồi đến rừng nguyên sinh thay lá, sau đó là sông băng, núi tuyết trắng. Trước khi đi, mình đã tìm hiểu về AC nhưng cho đến khi vượt qua chặng đường 200 km, mình vẫn không khỏi ngạc nhiên. Thiên nhiên của Nepal rất hùng vĩ và đi bộ là cách cảm nhận trọn vẹn được vẻ đẹp ấy", Hiếu cho hay.
Để leo núi ở Nepal cần có giấy phép (trekking permit) gồm hai loại: giấy phép leo núi toàn Nepal và giấy phép riêng từng vùng. Sau khi bay đến Nepal, Hiếu đi làm trekking permit và di chuyển đến vị trí xuất phát tại một ngôi làng để đi xe jeep vào chân núi. Đường đi xe jeep chỉ dài 35 km nhưng mất đến 3 giờ đồng hồ vì quá gập ghềnh. "Ngồi trên xe jeep mà như thể muốn văng ra ngoài", Hiếu mô tả.
Hiếu khởi đầu khá suôn sẻ cho đến khi thời tiết xấu xuất hiện vào ngày thứ hai. Trời âm u, mưa bắt đầu nặng hạt. Tình hình trở nên ảm đạm hơn khi hành trình bước sang ngày thứ ba. Mưa gió mạnh dần. Nước suối chảy cuồn cuộn. Cứ đi được một đoạn, Hiếu lại nghe thấy tiếng đá rơi sau lưng lộp cộp. Sau đó, đoàn mới biết vì thời tiết xấu, núi sạt lở nên phía dưới đã cấm leo lên, còn trên đèo Thorung-La, tuyết đã ngập tới bụng. Ngay lúc đó, ý nghĩ thất vọng thoáng qua trong đầu chàng trai Hội An khi thực tế khác xa tưởng tượng: "Mất bao nhiêu thời gian, tiền bạc qua đây ngỡ được ngắm lá vàng, mà giờ mưa tầm tã". Thế nhưng, ý nghĩ ấy nhanh chóng tan biến, Hiếu và những người đồng hành vẫn không thôi hy vọng bước tiếp.
Không thể quay đầu được nữa, những đôi chân tiếp tục hành trình. Càng đi, nhiệt độ càng xuống thấp. Gió rít từng cơn. Đến ngày thứ tư, cái lạnh bắt đầu ngấm vào từng lớp áo, cắt vào da thịt. Vì áo mưa mang theo không phù hợp nên Hiếu ướt cả người và balo. Môi tím tái, răng đánh vào nhau lập cập.
Ngày thứ năm, điều không mong muốn nhất đã xảy đến. Vì tuyết rơi quá dày, đến tận bụng, cung leo núi đóng cửa. Lúc ấy, tới không được mà lui cũng không xong. Nhiều du khách nước ngoài không thể thu xếp thời gian nên chọn quay đầu bằng cách đi trực thăng về. "Vì trực thăng đi về giá khá cao 1.000 USD, và cũng còn dư thời gian nên mình và một vài người quyết định ở lại chờ thời tiết khá hơn để tiếp tục hành trình", anh kể.
Năm ngày chôn chân nơi núi tuyết, Hiếu nhìn từng người đi trực thăng về. Đoàn rơi rụng dần, sau cùng chỉ còn 4 người bám trụ. Một phần lo lắng vì nguy hiểm, phần khác vì hành trình có thể kéo dài không biết đến khi nào, nhiệt độ ngoài trời là -10 độ C. Cái lạnh khiến cả người Hiếu như đông cứng. Thế nhưng, anh và một số người còn lại cũng cố nhấc từng bước chân vùi trong tuyết nặng trịch để đi đến điểm xa nhất. Lực bất tòng tâm, tuyết quá dày và không thể di chuyển xa. Dù mệt lả nhưng Hiếu không quá lo lắng, hoảng sợ. "Lúc ấy, hoảng lên cũng không giải quyết được gì", anh nói.
May mắn, ở cung leo núi này, cứ cách 3-4 km là có tea house (nhà trà) - những ngôi nhà nhỏ của người dân nằm lưng chừng núi. Tại đây, người leo núi có thể ghé lại sưởi ấm, uống trà, nghỉ lại qua đêm.
Từ ngày thứ 10, thời tiết bắt đầu chuyển biến tích cực. Trời quang, nhiều nắng. Tuyết chưa tan hết nhưng đỡ nguy hiểm hơn. Đồng thời, đèo đã thông, cho phép người leo núi trở lại. Sau 5 ngày không nhích thêm được km nào, cuối cùng Hiếu và những người bạn đồng hành đã tiếp tục chinh phục đèo Thorung-La và hướng đến đích. Thorung-La (5.416 m) là đèo cao nhất thế giới, cũng là điểm cao nhất của hành trình.
Dù đường leo núi AC khá bằng, ít dốc, nhưng theo Hiếu, thử thách lớn nhất chính là độ cao. Càng tiến gần đỉnh, không khí càng loãng, thiếu oxy nên người leo núi dễ bị mệt. Chưa kể, trên lưng Hiếu là balo hành lý, máy ảnh nặng gần 18 kg càng khiến việc di chuyển trở nên khỏ khăn.
"Vượt qua tất cả những sự cố bất ngờ, "những chiến binh bất đắc dĩ" còn sót lại chỉ nghĩ rằng đây là lúc tận hưởng những km cuối cùng của hành trình", Hiếu nói.
![5 ngày mắc kẹt trên núi tuyết ở Nepal - 1](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2022/10/25/-7476-1666688089.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Fbzj61Vrg7-1BRXSGuKP4Q)
Thời tiết xấu suốt nửa chặng đường đi.
Đây có lẽ là chuyến đi dài nhất và cũng là nhiều cảm xúc nhất của Hiếu, lận đận từ lúc xin visa cho đến trong hành trình, tới ngày về còn bị giữ flycam ở sân bay. Vì những sự cố bất ngờ, lịch trình của Hiếu thay đổi xoành xoạch.
"Mình đã sắp xếp dư thời gian để có thể đi những nơi khác, nhưng cuối cùng không thể thực hiện. Nhưng mình không hối hận, ngược lại những trải nghiệm này không thể mua được bằng tiền. Những sự cố cũng cho mình nhiều bài học về cách xoay sở trước mọi tình huống. Đó là giá trị lớn nhất mà mình nhận được từ chuyến đi", Hiếu kể.
Nhiều người chọn cách đi theo tour, còn Hiếu tự túc hoàn toàn, từ việc xin visa, di chuyển, cho đến mang vác đồ. Trước đó, Hiếu từng đi dưới trời tuyết trắng ở Nepal 11 ngày, thế nhưng mắc kẹt trong tuyết là lần đầu tiên. "Trước mỗi chuyến đi, nếu biết trước điều gì, hành trình sẽ không còn thú vị nữa. Đi tự túc sẽ cho mình cơ hội được khám phá bản thân nhiều hơn. Vì nghĩ đi vào mùa thu nên mình không mang đủ áo lạnh. Không thể tưởng tượng thời tiết bất thường như vậy. Đây cũng là bài học cho những chuyến đi sau. Đến một đất nước xa lạ, điều quan trọng nhất là sự chuẩn bị kỹ lưỡng", Hiếu rút ra từ chính trải nghiệm bản thân.
Nhờ đi tự túc, Hiếu tiết kiệm được khá nhiều khi chỉ mất tầm 26 triệu đồng. Trừ vé máy bay, mỗi ngày ở Nepal, Hiếu chỉ tiêu 400.000 đồng. Ngoài trải nghiệm nhớ đời, anh ấn tượng với cung Annapurna Circuit vì vẻ đẹp của thiên nhiên. "Những ai đi leo núi ở Nepal đều biết dù là tấm hình đẹp nhất cũng không thể diễn tả được một phần". Bên cạnh đó, đường sá ở Nepal cũng khó quên. "Đi khoảng 50 km mà mất 14 tiếng đồng hồ. Có khi mình xuống chạy bộ còn nhanh hơn", Hiếu nói đùa.
Là một người đam mê khám phá, nhiếp ảnh và cũng là chân chạy bộ ở Hội An, Trung Hiếu thường xuyên xê dịch để tìm hiểu các vùng đất của Việt Nam và nước ngoài. Hiếu đã đặt chân đến Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Ấn Độ, Nepal. Hồi tháng 2, Hiếu thực hiện hành trình đi bộ 154 km đến đèo Mã Pì Lèng để khám phá Hà Giang. Du lịch và chạy bộ song hành là cách Hiếu khám phá một vùng đất một cách chậm rãi và trọn vẹn.
Xuân Phương
Ảnh: Trần Trung Hiếu