Bố mẹ bắt đầu tích trữ đủ thứ từ đỗ xanh, thịt lợn đến bánh kẹo, mứt tết, dưa hành. Có thể đây là thói quen đã ăn sâu vào nếp sống của nhiều gia đình Việt nhưng thú thật, nhiều lúc tôi thấy chuyện này vừa dễ thương vừa hơi quá. Bố mẹ lúc nào cũng sợ thiếu đồ ăn, sợ tết giá cả leo thang hoặc cửa hàng đóng cửa. Vì thế, nhà tôi luôn mua đồ ăn với số lượng lớn, tủ lạnh luôn trong tình trạng không còn chỗ để.
Hồi nhỏ, tôi thấy điều này thật thú vị. Những ngày cuối năm, tôi thường theo mẹ đi chợ, xách những túi đồ to. Mỗi lần mua sắm về, mẹ lại tỉ mỉ chia nhỏ thịt để cất tủ đông lạnh, rồi gói giò, làm dưa. Cả nhà ngồi cùng nhau làm bánh chưng, vừa gói bánh kể chuyện năm cũ. Những ký ức ấy thật ấm áp và khiến tôi cảm nhận rõ hơn giá trị của gia đình.
Đến khi lớn lên, tôi tự hỏi có cần phải chuẩn bị quá nhiều đến thế không? Mỗi năm, sau Tết, không ít đồ ăn dư thừa bị bỏ phí. Những món ăn truyền thống, dù ngon đến đâu, cũng không thể ăn mãi mà không chán. Tôi từng góp ý với bố mẹ rằng tết hiện đại đã khác, hàng quán vẫn mở xuyên lễ, không cần phải mua quá nhiều. Bố mẹ thường cười xòa: "Đến tết là phải có đầy đủ, thiếu mất vui". Tôi phải góp ý sao cho bố mẹ thay đổi quan điểm tết đến là sắm quá nhiều như bây giờ?
Thùy Tiên