Nhiều người biết rằng, đường cao tốc ở Đức không giới hạn tốc độ. Điều này có thể đúng và có thể sai. Đúng là có nhiều đoạn đường cao tốc không giới hạn tốc độ nhưng có những đoạn bị giới hạn, phổ biến nhất là các mức 80, 100, 130 km/h.
Ở Đức và đa số các nước châu Âu khác, có năm mức tốc độ quan trọng cần lưu ý là 10 km/h, 30 km/h, 50 km/h, 100 km/h và 130 km/h. Các mức tốc độ này được đánh dấu đỏ trên đồng hồ công-tơ-mét ở hầu hết các xe đời mới tại Đức. Điều này tạo ra điểm nhất quán giữa luật giao thông, hãng sản xuất ôtô và tạo ra thói quen cho người tham gia giao thông.
10 km/h: trong khu dân cư đông đúc, có thể có trẻ con chơi ngoài đường (traffic calming zone) hoặc lúc vượt xe bus (có thể xe bus thông thường hoặc xe đưa đón học sinh có biển báo) đang có tín hiệu đèn nhấp nháy để đón trả khách. Đa số tài xế qua đoạn đường này đều nhả hết chân ga và chỉ dùng côn hoặc phanh.
30 km/h: những khu đông dân cư hoặc đường hẹp, có thể có ôtô đỗ bên đường.
50 km/h: trong khu dân cư (urban area).
100 km/h: đường ngoại ô.
130 km/h: thường sẽ có ít biển giới hạn tốc độ 130 km/h nhưng tốc độ này là tốc độ tối đa khuyến cáo khi chạy trên cao tốc Autobahn kể cả khi đoạn đường cao tốc đó không giới hạn tốc độ. Ở một số nước khác của châu Âu, 130 km/h cũng là tốc độ tối đa cho phép chạy trên cao tốc.
Chuyện gì xảy ra nếu bạn chạy quá tốc độ?
Ở những nơi giới hạn tốc độ sẽ có biển báo và điều thú vị là trên biển báo đấy sẽ ghi là có camera giám sát hay không (radar control). Nếu có camera giám sát, nếu bạn chạy vượt quá 10 km/h trở lên so với tốc độ cho phép, bạn sẽ bị phạt (bạn sẽ nhận được hóa đơn gửi về nhà sau đó). Ở những nơi không có camera, một thực tế là đa số đều chạy quá tốc độ, nhưng tốc độ họ chạy quá thường không nhiều và thường sẽ không bị phạt.
Cảnh sát cũng có quyền đặt các camera khác mà không có cảnh báo nhưng trường hợp này rất ít xảy ra. Nếu bạn chạy với tốc độ quá cao so với tốc độ cho phép, sẽ không bất ngờ nếu sau đó vài phút có xe cảnh sát hú còi đuổi theo xe bạn.
Độc giả Nguyên Khôi