Mới vào đầu năm 2013 hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing (Mỹ) đã phải đau đầu vì hàng loạt scandal liên quan đến "giấc mơ bay" 787 Dreamliner. Vận hành từ cuối năm 2011, nhưng phải đến gần đây, khi những sự cố liên tiếp khiến các hãng hàng không Nhật Bản phải hạ cánh khẩn cấp, độ an toàn của dòng máy bay này mới bị động đến.
Ngày 7/1, một máy bay của hãng hàng không Japan Airlines đã bốc cháy tại sân bay quốc tế Logan ở Boston (Mỹ), khi vừa hạ cánh từ Tokyo. Vụ cháy khiến các lính cứu hỏa phải mất 40 phút để dập lửa. Nguyên nhân có thể là nổ pin phụ trợ. Trước đó, một chiếc 787 khác của Japan Airlines đỗ tại đây cũng bị phát hiện có tia lửa điện.
Hơn một tuần sau, đến lượt 787 của All Nippon Airways (Nhật Bản) phải hạ cánh khẩn cấp khi phi công phát hiện có khói tỏa ra từ khoang thiết bị điện. Trước đó, họ cũng nhận được cảnh báo của hệ thống về lỗi pin. Đây là sự cố thứ sáu xảy ra trong 10 ngày với dòng máy bay này.
Máy bay Boeing 787 Dreamliner liên tiếp gặp sự cố về pin. Ảnh: The Verge |
Ngay sau đó, ngày 16/1, cả hai hãng này tuyên bố dừng hoạt động 24 chiếc 787 vì lý do an toàn. Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cũng nhập cuộc khi quyết định cấm tất cả máy bay dòng 787 của Boeing cất cánh cho đến khi hãng này chứng minh được các loại pin lithium-ion được sử dụng là "an toàn và đúng tiêu chuẩn". Đây là lần đầu tiên sau 34 năm cơ quan này ra lệnh cấm với toàn bộ một dòng sản phẩm. Ngoài ra, Boeing 787 còn bị cấm cửa cả ở cả Ấn Độ và Chile.
Sau thông báo của FAA, cổ phiếu của Boeing trên sàn chứng khoản New York đã giảm 1,9% xuống còn 72,8 USD. Đây là mức giảm lớn thứ hai của hãng này, sau 3,4% ngày 1/6 năm ngoái.
Theo ông Murdo Morrison, biên tập viên kỳ cựu tại tuần báo hàng không lâu đời nhất thế giới - Flight International, việc này sẽ khiến Boeing chịu thiệt hại không nhỏ. Dây chuyền sản xuất 787 phải ngừng lại, và hãng này cũng tuyên bố sẽ dừng giao máy bay cho một loạt khách hàng, như British Aiways hay Virgin Atlantic (Anh). Thêm vào đó, việc Boeing hứa hẹn tập trung toàn bộ nhân lực khắc phục sự cố cũng có nghĩa nhiều dự án quan trọng sẽ bị trì hoãn ít nhất vài tuần. Cả tài chính và hình ảnh của gã khổng lồ máy bay này đã bị tổn hại nặng nề.
Tuy nhiên, theo Morrison, sự việc có thể sẽ không quá bi kịch, tùy vào kết luận của cơ quan điều tra. Nếu nguyên nhân chỉ là do loại pin lithium-ion họ đang sử dụng, và Boeing có thể thuyết phục các nhà chức trách rằng sửa chữa vấn đề này là xong, 787 có thể hoạt động trở lại trong vài tuần tới. Nhưng nếu sự cố xảy ra do toàn bộ hệ thống điện của máy bay và buộc Boeing phải thiết kế lại từ đầu thì đó là thảm họa thực sự. "Giấc mơ bay" sẽ bị gác lại thêm ít nhất là một năm nữa.
Bob Crandall - CEO của American Airlines (Mỹ) cho biết, không chỉ Boeing, mà các hãng hàng không cũng sẽ chịu thiệt hại nặng. Boeing đã ném hơn 30 tỷ USD vào dự án này, và giá của một chiếc 787 cũng là trên 200 triệu USD.
Dù vậy, Morrison vẫn cho rằng khả năng thứ hai là khó có thể xảy ra. Theo ông, trước khi được đưa vào vận hành, 787 đã phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra khắc nghiệt về thiết kế, cấu tạo với hệ thống điện và vật liệu composite siêu nhẹ. Vì vậy, việc các nhà chức trách không tìm ra lỗi này là rất khó tin.
Tuần u ám của Boeing được xoa dịu phần nào nhờ tin tức hãng này giành lại ngôi vị nhà sản xuất máy bay số một thế giới từ tay Airbus, sau 10 năm. Theo Airbus, số máy bay giao cho khách hàng của hãng đã tăng 10% lên mức kỷ lục 588 chiếc trong năm 2012. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đuổi kịp được Boeing - 601 chiếc, cao nhất kể từ năm 1999. Boeing cũng khẳng định vị trí số một về lượng đơn đặt hàng với 1.203, cao hơn nhiều so với 833 của đối thủ.
Sự kiện kinh tế thế giới nổi bật khác trong tuần: 1. Đức quyết định rút về 674 tấn vàng dự trữ đang gửi tại Mỹ và Pháp. 2. Năm 2012, Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất 13 năm khi GDP chỉ tăng 7,8%. 3. Hàng loạt ngân hàng lớn trên thế giới cắt thưởng do kinh tế khó khăn. 4. Bất chấp núi nợ công, Nhật Bản vẫn mạnh tay bơm tiền để hạ giá đồng yen , nhằm hỗ trợ xuất khẩu. 5. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) giải ngân thêm 3,2 tỷ euro cho Hy Lạp và 838,8 triệu euro cho Bồ Đào Nha. |
Hà Thu(tổng hợp)