Những ngày cuối năm, bên bờ biển đảo Lý Sơn, những tảng đá bám đầy rêu xanh tạo nên khung cảnh thơ mộng, nhưng không có một bóng du khách nào. Biển động khiến đảo du lịch của Quảng Ngãi bị cô lập gần một tháng qua. Tình trạng này dự kiến kéo dài đến cuối tháng 12, kết thúc một năm "mất mùa" của ngành du lịch địa phương.
Đặng Văn Sâm, chủ một homestay trên đảo Bé, ngán ngẩm trước tình hình kinh doanh năm nay. "Chưa có năm nào mong hết năm, đến Tết như năm nay. Làm hai tháng, chơi 10 tháng", Sâm tổng kết. Hai tháng có khách là khoảng thời gian giữa hai đợt Covid-19 lây lan trong cộng đồng, nhưng lượng khách không đáng kể vì tâm lý e ngại du lịch trong dịch.
Trước đó, homestay của anh thường xuyên được khách đặt kín phòng từ sau Tết âm lịch đến cuối tháng 9. Thời gian biểu của Sâm từng luôn kín mít từ những cuộc gọi, đón khách tới đảo, dẫn khách đi tham quan, chụp hình ở bãi đá, cầu gỗ... đến đăng bài trải nghiệm trên mạng xã hội. Còn nay, anh chủ kiêm hướng dẫn viên trên đảo Bé về lại đảo Lớn với gia đình, đánh cá giải khuây.
Năm nay, nhóm thảo luận về du lịch đảo Lý Sơn do Sâm lập trên mạng xã hội cũng thưa bài đăng. Một số thành viên chia sẻ nỗi nuối tiếc khi đặt vé đi Lý Sơn nhưng phải hủy do Covid -19; một số khác đồng cảm trước mức thiệt hại của của homestay trong đại dịch. Sâm thống kê, lượng du khách giảm khoảng 60-70% so với năm ngoái, tương đương với hơn 1.000 người. Nếu trung bình mỗi người chi tiêu 300.000 đồng, du lịch đảo Bé đã thất thu 300 triệu đồng.
Không chỉ dịch vụ lưu trú chịu ảnh hưởng, các chủ phương tiện vận tải, hàng quán trên đảo cũng chịu ảnh "ngồi không" suốt 10 tháng. Những lúc nhàn rỗi, họ mang lưới đi đánh cá gần bờ, nhưng cũng không thể đốt hết thời gian.
Nhưng cuối tháng 10, cơn bão Molave lại giáng đòn mạnh vào lòng kiên nhẫn của người dân Lý Sơn. Homestay của Sâm bị hư hại nhẹ do được vây quanh bởi cây cối, nhưng 9 homestay và nhiều quán ăn của người dân ở đảo Bé, quê ngoại anh, bị cuồng phong giật sập. Mỗi hộ kinh doanh thiệt hại từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
"Năm nay là năm đói, du lịch cũng không có khách mà làm quê (làm nông) cũng thất thu", bà Võ Thị Loan, chủ homestay Loan Anh ở đảo Lớn, nói. Là một trong hộ tiên phong làm homestay, gia đình bà Loan xem thu nhập từ du lịch là một trong hai nguồn để chi tiêu, bên cạnh lương hưu của chồng bà.
Bà Loan chịu thiệt hại kép từ du lịch đến làm nông. Sau những tháng ngồi không vì vắng khách, 1,5 sào hành của bà cũng bị ngập úng. Giá tỏi năm nay cũng chỉ đạt 50.000 đồng/kg, bằng một nửa so với năm ngoái vì nhu cầu tiêu dùng giảm.
Một chủ khách sạn ở đảo Lớn cho biết, anh vừa đầu tư năm ngoái. "Nếu lấy tiền đầu tư khách sạn mà bỏ vào ngân hàng thì tôi còn có tiền lãi suất, không thua lỗ như năm nay", anh tiếc nuối. Theo chủ khách sạn này, nếu không có vì Covid-19, doanh thu chỉ riêng tháng 8 lên đến 400 triệu đồng.
Ngoài ra, anh còn góp vốn vào tàu chở hàng. Anh phân tích, tàu chở hàng không lỗ vì hoạt động chở hàng hóa thiết yếu vẫn duy trì, nhưng nếu tàu chở du khách thì phải bảo trì suốt 10 tháng mà không có khoảng doanh thu nào bù lại.
Theo thống kê của UBND đảo Lý Sơn, năm nay lượng du khách ra đảo chỉ đạt 65.000 lượt, bằng 25% so với năm ngoái. Sau nhiều năm du lịch Lý Sơn tăng trưởng theo "hình thẳng đứng", lượng du khách năm 2020 chỉ bằng 39% so với năm 2016, năm du lịch Lý Sơn bắt đầu tăng trưởng mạnh. Ước tính thiệt hại ngành du lịch huyện đảo năm 2020 lên đến 200 tỷ đồng.
Riêng bão số 9 Molave làm hàng nghìn cây xanh chết, ngã đổ; 21/59 cơ sở thờ tự, di tích bị thiệt hại; 7 ca nô bị hư hỏng. 34 nhà nghỉ, khách sạn, homestay hư hại, tốc mái. Huyện Lý Sơn đang xin nguồn hỗ trợ để trồng rừng, trồng cây xanh để khôi phục cảnh quan trên đảo, ít nhất 5 - 7 năm nữa mới phục hồi được cảnh quan như cũ.
Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, nên năm tới huyện sẽ phải triển khai nhiều giải pháp phục hồi. Huyện sẽ tiếp tục đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, đồng thời xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường và nguồn nước sinh hoạt để phục vụ người dân và du khách.
Đặng Văn Sâm cùng nhiều người dân đảo Lý Sơn đang hy vọng Covid-19 được kiểm soát tốt, có vaccine để tình hình kinh doanh du lịch sáng sủa hơn vào năm tới. "Trước Tết tầm một tháng em sẽ sửa lại homestay vì sau Tết thường khách đặt phòng rất đông", Sâm lạc quan.