Dưới đây là năm lý do để giới chuyên môn đánh giá rằng Arsenal nên chia tay HLV kỳ cựu người Pháp, nếu muốn tạo đột biến, thoát khỏi tình cảnh phải xem việc cán đích trong top 4 Ngoại hạng Anh hằng năm là mục tiêu cao nhất.
Thiếu các danh hiệu lớn. Chiếc Cup FA mùa trước là danh hiệu đầu tiên của Arsenal và Wenger trong vòng chín năm qua. Từ chỗ từng giúp Arsenal lập kỳ tích bất bại trên đường lên ngôi vô địch Ngoại hạng Anh, đến chỗ phải chờ đợi gần cả thập kỷ để được nâng cao một chiếc Cup ở giải đấu chỉ là ưu tiên thứ ba, Wenger rõ ràng đang trải qua một sự thụt lùi ghê ghớm về uy tín. Và với một đội bóng lớn, giàu tham vọng như Arsenal, cơn khát danh hiệu kéo dài ngần đó năm là điều không thể chấp nhận.
Trong khi Arsenal vật vã cùng Wenger trong cơn khát danh hiệu, 26 cầu thủ do ông một tay dìu dắt, đào tạo nên ở CLB này đã ra đi và cùng các CLB khác đoạt tới 56 danh hiệu lớn bé. Giữa thời buổi mà Roberto Di Matteo cũng bị sa thải chỉ vài tháng sau khi vô địch Champions League và đoạt Cup FA, việc Wenger vẫn tại vị ở Arsenal có thể xem như một bí ẩn lớn. Có vẻ như thành công rực rỡ với HLV này suốt chín năm đầu dẫn dắt (đoạt 12 danh hiệu, trong đó có ba chức vô địch Ngoại hạng Anh) đã đánh lừa cảm xúc của cả ban lãnh đạo lẫn người hâm mộ Arsenal, khiến họ dễ dãi hơn trước sự tụt hậu của chiến lược gia người Pháp.
Kết quả nghèo nàn ở các trận cầu lớn. Trong ba mùa gần nhất, Arsenal chỉ thắng được ba trận khi đối đầu với các đối thủ trong top 4 Ngoại hạng Anh. 11 thất bại ở những trận cầu như vậy trong thời gian đó được xem là nguyên nhân lớn khiến Arsenal hụt hơi rồi phải tung cờ trắng trên đường đua tranh ngôi vô địch. Chỉ tính riêng mùa trước, Arsenal đã thua với tổng tỷ số 4-17 khi chạm trán các đối thủ thuộc top 4.
Chiến thuật của Arsenal trong các trận cầu ấy thường rất dễ bị bắt bài. Nhưng Wenger không chịu thay đổi và lặp đi lặp lại những quyết định sai lầm. "Arsene luôn sử dụng một công thức về cách đánh giá cầu thủ và cách chơi. Bởi vậy khi gặp Arsenal, chúng tôi chẳng cần phải cố gắng đoạt bóng nhiều, mà chỉ cần cắt bóng của họ", Alex Ferguson từng lý giải trước việc Man Utd của ông thường đạt kết quả tốt khi đấu với Arsenal. Mà cũng chẳng cần tới một quái kiệt như Ferguson, ngay cả những HLV của các đội bóng làng nhàng giờ cũng biết rõ họ cần làm thế nào để có điểm trước Arsenal của Wenger - phòng ngự với số đông và rình rập cơ hội phản công. Công thức quá đơn giản.
Cam chịu trước sự tầm thường. Podolski, Szczesny, Gibbs phấn khích chụp ảnh selfie ngay trên sân. Vào phòng thay đồ, cả đội tập trung vung tay chụp ảnh chung với nụ cười hớn hở. Những khoảnh khắc ấy dễ tạo cảm giác rằng Arsenal vừa đoạt một danh hiệu. Nhưng không, thực tế là họ chỉ mừng việc cán đích trong top 4 Ngoại hạng Anh mùa vừa qua và qua đó, sẽ có năm thứ 17 liên tiếp được dự Champions League.
Với nhiều CĐV Arsenal, đó là một hiện thực chua chát. Cán đích thứ tư và giành vé dự Champions League chắc chắn là không đủ với một CLB có giá vé vào sân đắt bậc nhất châu Âu và sở hữu một HLV luôn nằm trong top ăn lương cao của thế giới bóng đá.
Arsenal từng vô địch Ngoại hạng Anh với thành tích bất bại - điều chưa từng có tiền lệ trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại. Và đã có lúc, cán đích thứ hai đã bị xem là thất bại với đội bóng này. Nhưng tinh thần ấy, khí phách ấy xem ra đã không còn ở Arsenal. Wenger của hiện tại dường như chỉ tự hài lòng với vị trí thứ tư và chiến đấu vì mục tiêu ấy, đồng nghĩa với việc cam chịu đứng sau Chelsea, Man Utd và Man City.
Chuyển nhượng kém hiệu quả. "Thảm họa" là từ phù hợp để nói về công tác chuyển nhượng cầu thủ ở Arsenal hậu chiến tích vô địch bất bại năm 2004. Nếu là ở một CLB khác, trách nhiệm dễ bị đẩy sang cho Chủ tịch hoặc Giám đốc thể thao. Nhưng ở Arsenal, Wenger là người phải chịu trách nhiệm trước tiên và cao nhất cho thất bại trên sàn chuyển nhượng, vì CLB để ông toàn quyền quyết định mua sắm.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, thay vì mang về những ngôi sao tầm cỡ, Arsenal tạo cảm giác như một học viện bóng đá. Họ tìm kiếm, mài giũa và lăng xê các tài năng trẻ, để rồi đến khi những người này đủ lông đủ cánh, CLB sẽ bán liền tay, thu về những món tiền kếch xù, gửi tiết kiệm và bắt đầu một vòng quay mới tương tự. Số đông cầu thủ được Wenger đào tạo đều gặt hái thành công, đoạt danh hiệu ngay sau khi rời Arsenal. Van Persie là một ví dụ tiêu biểu, khi được bán cho Man Utd và ngay lập tức giúp đại kình địch của CLB cũ vô địch Ngoại hạng Anh.
Wenger cũng có những quyết sách khó hiểu khi cần phải tăng cường cấp bách. Mùa trước, Arsenal có 113 ngày liên tục dẫn đầu bảng, nhưng khi bão chấn thương ập đến, thay vì tăng cường một tiền vệ phòng ngự và một tiền đạo ở đẳng cấp thế giới trong tháng 1/2014, ông lại chọn phương án mượn tiền vệ đã 31 tuổi và chưa bao giờ được đánh giá cao là Kim Kallstrom. Hậu quả như thế nào thì tất cả đều thấy. Arsenal hụt hơn và bất lực nhìn Man City lên ngôi.
Ngay cả khi chịu thay đổi thói quen mua rẻ bán đắt, vung tiền đưa về những ngôi sao lớn, nhà cầm quân sinh năm 1949 cũng không có đủ nhạy cảm để mang về những gương mặt phù hợp. Mesut Ozil khiến Arsenal tốn khoản phí kỷ lục 80 triệu đôla hè năm ngoái, nhưng sau giai đoạn đầu chơi được, tiền vệ người Đức bắt đầu sa sút không phanh và đang phải nghỉ dưỡng thương dài hạn. Hè này, Wenger lại giật bom tấn với phi vụ Alexis Sanchez. Anh này đang chơi hay, trở thành đầu tàu của cả đội, nhưng chẳng có gì đảm bảo sẽ không đi vào vết xe đổ của Ozil.
Chiến thuật, phương pháp huấn luyện lỗi thời. Sau khi Ferguson giải nghệ, Wenger là HLV có thâm niên làm việc lâu nhất tại Ngoại hạng Anh. Nhưng trong khi bóng đá thay đổi và phát triển lên rất nhiều, chiến thuật của Wenger lại không hề đi theo xu hướng ấy. Dưới trướng ông, Arsenal nổi tiếng chơi thứ bóng đá kỹ thuật, đề cao khả năng kiểm soát, chuyền bóng. Nhưng ông rất cứng nhắc, luôn áp dụng công thức ấy, thay vì tùy biến để đối phó với các kiểu đối thủ. Lối chơi của Arsenal vì thế trở nên dễ đoán, dễ bị bắt bài.
Nhưng Wenger không chỉ có vấn đề về chiến thuật. Phương pháp huấn luyện của ông dường như cũng có vấn đề. Một thống kê không chính thức cho thấy Arsenal có đến 889 ca chấn thương kể từ đầu mùa giải 2002-2003, nhiều hơn 100 ca so với các đối thủ trong cùng thời gian. Wenger được biết đến với cách huấn luyện nguyên tắc, xem các học trò như những người lính chứ không đơn thuần là cầu thủ đá bóng. Mệt mỏi, kiệt sức và chấn thương ở những thời điểm quan trọng nhất mùa giải vì vậy là điều thường xuyên xảy ra với Arsenal.
Phương Minh