Doanh nghiệp lãi gấp đôi trong năm 2016 với hơn 450 tỷ đồng, song không khí cuộc họp Đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã CK: DBC) vào những ngày cuối tháng 4 vừa qua cũng không quá phấn khởi bởi những dự báo khó khăn cho năm 2017.
Sau khi vượt kế hoạch 55% năm ngoái, nay lãnh đạo công ty lại đặt mục tiêu lợi nhuận giảm gần 30% cho năm 2017, còn 370 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính còn 260 tỷ.
“Đây sẽ là năm khó khăn nhất trong 21 năm hoạt động của Dabaco", ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Dabaco chia sẻ với các cổ đông. Theo người đứng đầu doanh nghiệp này, sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi lợn - 2 lĩnh vực chính của Dabaco sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong bối cảnh giá thịt lao dốc.
Lý giải về nguyên nhân sụt giảm, ban lãnh đạo Dabaco cho rằng, giá thịt lợn tăng cao trong năm 2016 đã kích thích việc tăng đàn không kiểm soát. Quy mô ngành phát triển quá nóng, cung vượt cầu dẫn tới giá thịt lao dốc kể từ quý IV/2016. Bản thân thịt lợn giảm cũng dẫn đến hệ lụy với một số vật nuôi khác.
Dabaco đã trình lên Chính phủ các giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của việc giá lợn lao dốc, trong đó có những kiến nghị chính sách như giảm đàn lợn nái từ 4,2 triệu con của cả nước xuống còn 3 triệu con hay thực hiện các biện pháp tăng khả năng xuất khẩu. Tuy nhiên, theo đánh giá của ban lãnh đạo đơn vị này, giai đoạn khó khăn có thể sẽ còn tiếp diễn đến hết tháng 7 năm nay.
“Mưa mãi rồi cũng sẽ phải tạnh, hy vọng một ngày tình hình sẽ trở lại tầm kiểm soát”, ông So cho biết và khẳng định Dabaco sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi định hướng hoạt động trong ngành chăn nuôi cho dù hoàn cảnh hiện tại rất khó khăn.
Tuy vậy, khó khăn đã xuất hiện ngay trong kết quả kinh doanh của quý đầu tiên năm 2017. Lợi nhuận của Dabaco sau 3 tháng đầu năm chỉ đạt 13 tỷ đồng, giảm 78% cùng kỳ, cho dù doanh thu tăng 16%. Giá thực phẩm liên tục giảm mạnh làm giảm doanh thu những hoạt động cốt lõi của công ty, bộ phận sản xuất giống gia súc, gia cầm, chăn nuôi và chế biến thực phẩm lỗ gần 54 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 14,5 tỷ).
Một doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự là Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico). Ban lãnh đạo công ty đã nhận định, hoạt động sản xuất chăn nuôi lợn sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới. Với quy mô lợn bán ra mỗi năm đạt trên 65.000 con, bao gồm cả lợn thương phẩm và giống, giá bán sản phẩm giảm rất mạnh so với mức bình quân năm 2016 đang trở thành nỗi lo của ban lãnh đạo.
"Những tháng cuối năm, nhất là từ tháng 11-12/2016 và kéo dài sang năm 2017, việc xuất bán lợn thịt sang thị trường Trung Quốc bị chững lại, cả giá bán và sức tiêu thụ đều giảm mạnh, dẫn đến thị trường lợn giống khó khăn, giá bán thấp, ứ đọng sản phẩm. Áp lực về chuồng trại, nhân công, nguy cơ dịch bệnh tăng", báo cáo của Hội đồng quản trị về tình hình sản xuất kinh doanh cho biết.
Từ đầu năm đến nay, không chỉ các đơn vị chăn nuôi lớn, giá thịt lợn của người nông dân trên cả nước đã xuống đến mức thấp kỷ lục gây thua lỗ nghiêm trọng. Giá lợn hơi xuất chuồng tại tỉnh Đồng Nai - một trong những địa phương đứng đầu cả nước về chăn nuôi, đã giảm 40% so với giá bình quân năm 2016.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại một số tỉnh phía Bắc, khi giá lợn hơi bán tại chuồng xuống thấp kỷ lục, chỉ còn khoảng 23.000-25.000 đồng một kg. Có những thời điểm, giá thịt lợn xuống dưới 20.000 đồng. So với giá thành hiện nay, người chăn nuôi đang lỗ khoảng 7.000-11.000 đồng mỗi kg.
Trước tình cảnh này của thị trường, lãnh đạo Chính phủ mới đây đã có yêu cầu các bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Công Thương... phải rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý.
Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố về tăng cường biện pháp bình ổn thị trường thịt lợn. Trong đó, cơ quan này đề nghị các Sở theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát và chủ động tham mưu với chính quyền địa phương có phương án kịp thời bình ổn giá; khuyến khích doanh nghiệp thu mua thịt lợn cho người nuôi với giá hợp lý. Trong một văn bản gửi đi cuối tháng 4/2017, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các nhà băng căn cứ vào khả năng tài chính miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn… để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Minh Sơn