Nhiều bằng chứng cho thấy virus HPV là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư cổ tử cung ở nữ giới, với phương thức lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. Tương tự các bệnh lây qua đường tình dục khác, nam giới cũng có liên quan đến chuỗi dịch tễ học lây nhiễm HPV. Họ có thể đóng vai trò mang mầm bệnh và truyền bệnh hoặc bị lây nhiễm.
GS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, làm rõ hơn vai trò của nam giới trong phòng, chống bệnh HPV và ung thư cổ tử cung.
- Bệnh ung thư cổ tử cung và các dạng tổn thương cổ tử cung có mức độ phổ biến như thế nào, ảnh hưởng ra sao tới sức khỏe phụ nữ?
Ung thư cổ tử cung thường gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% trong số các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Globocan thống kê năm 2020, Việt Nam có khoảng 4.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung mỗi năm, trong đó hơn 2.000 ca tử vong, tỷ lệ mắc mới chiếm 2,3% tỷ lệ ung thư chung. Vì vậy, có thể nói ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh thường gặp hàng đầu ở nữ giới.
Bệnh thường diễn biến âm thầm, khi biểu hiện triệu chứng đã ở giai đoạn nặng. Do đó, phần lớn người bệnh ung thư cổ tử cung phát hiện ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn.
- Nam giới và bệnh ung thư cổ tử cung có mối liên hệ ra sao?
Nhiều người cho rằng bệnh ung thư cổ tử cung chỉ xuất hiện ở nữ giới nên dường như không liên quan tới nam giới. Thực tế, các bằng chứng đã chỉ ra virus HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung, phổ biến là tuýp HPV 16, 18. Virus này lây nhiễm ở cả hai giới và lây truyền qua đường tình dục. Tức là, thông qua đường tình dục, virus có thể từ người nam lây nhiễm cho người nữ sau đó gây bệnh và ngược lại.
- Như vậy, nam giới có vai trò thế nào trong phòng, chống ung thư cổ tử cung?
Đặt giả thiết nam giới không bị nhiễm HPV, có thể giúp khoảng 80% phụ nữ không lây nhiễm, dẫn đến không mắc ung thư cổ tử cung. 20% còn lại có thể do các nguyên nhân khác như bị nhiễm virus khi thực hiện thủ thuật y khoa tại vùng kín không an toàn, bị viêm nhiễm tại vùng kín lâu ngày...
Nếu nam giới chưa ý thức được hoặc không có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, HPV có thể lây cho bạn tình nữ. Vì vậy, nam giới cũng là đối tượng cần quan tâm trong quá trình tiến tới ngăn chặn cơ bản bệnh ung thư cổ tử cung.
Tuy nhiên, trong quá trình khám sàng lọc, chúng tôi ghi nhận thắc mắc của nhiều cặp vợ chồng, như: vì sao vợ nhiễm HPV còn chồng không nhiễm, vì sao người vợ mắc ung thư cổ tử cung... Từ đó, gia đình nảy sinh mâu thuẫn, nghi ngờ người vợ không chung thủy hoặc là nguồn lây nhiễm HPV cho mọi người trong gia đình.
Câu trả lời của chúng tôi là cơ thể của nam giới có thể đã tự đào thải virus sau khi lây nhiễm cho vợ. Virus HPV còn có nhiều đường lây nhiễm khác, không nhất thiết lây nhiễm từ chồng hoặc người vợ không chung thủy, có thể do thực hiện thủ thuật y tế ở cơ sở không đảm bảo vô khuẩn dẫn như nạo hút thai và một số thủ thuật khác ở đường sinh dục dưới của nữ. Một số phụ nữ bị suy giảm miễn dịch, dễ nhiễm virus khi vô tình tiếp xúc với đồ vật chứa mầm bệnh.
Như vậy, người đàn ông không nên quá thắc mắc, đặt câu hỏi tại sao phụ nữ nhiễm virus và mắc bệnh. Họ nên thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ và đưa người phụ nữ của mình đi xét nghiệm sàng lọc, điều trị, phát hiện bệnh sớm.
- Khảo sát FreedomtoBe do Roche châu Á Thái Bình Dương thực hiện trên 2.836 phụ nữ, trong đó có Việt Nam, cho thấy nhiều người cho rằng sàng lọc ung thư cổ tử cung là đáng xấu hổ và sẽ bị cộng đồng đánh giá. Ông có chia sẻ gì?
Tôi rất bất ngờ khi biết nhiều phụ nữ xấu hổ, lo ngại khi sàng lọc, phát hiện bệnh. Vì vậy, chúng ta cần truyền thông rõ ràng hơn nữa thông qua nhiều kênh, để người phụ nữ không mặc cảm, xấu hổ khi tìm kiếm dịch vụ sàng lọc bệnh ung thư cổ tử cung.
Việc sàng lọc đem lại giá trị rất lớn cho sức khỏe người phụ nữ, đó là cơ hội phát hiện sớm để điều trị thải loại virus HPV và xử trí các tổn thương sớm cũng như có kế hoạch theo dõi định kỳ Cổ tử cung qua thăm khám, soi CTC và sàng lọc định kì.
Trong quá trình thăm khám, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp mắc ung thư cổ tử cung nhưng đến muộn. Họ thường bỏ qua các triệu chứng nhỏ, ví dụ tiết dịch bất thường, rỉ máu. Nhiều trường hợp có tổn thương cổ tử cung nhưng không có dấu hiệu chỉ điểm. Khi tình cờ thăm khám, bác sĩ phát hiện ở ống cổ tử cung các tổn thương ở biểu mô ngoài hoặc trong ống thậm chí có trường hợp ung thư đã di căn hết vào sàn chậu, tổn thương nặng nề các tạng xung quanh.
Câu chuyện chữa bệnh lúc đó chỉ còn tính bằng năm, điều trị được 5 năm được tính là thành công. Còn nếu phát hiện sớm, tỷ lệ điều trị khỏi cao, có thể sống cuộc đời bình thường.
Các trường hợp đến muộn quá nhiều, tôi tự hỏi vì sao những người đang là lực lượng lao động chính trong gia đình, không thực hiện việc sàng lọc đơn giản này. Có những ca tử vong khiến tôi rất nuối tiếc vì họ không khám sớm.
Vì vậy, phụ nữ không nên mặc cảm về xét nghiệm sàng lọc, mà cần hiểu đây là khám bệnh và dự phòng một căn bệnh rất âm thầm, không có dấu hiệu nhiễm hoặc triệu chứng ở giai đoạn sớm. Không nên cho rằng nhận kết quả dương tính tức là biểu hiện của người không chung thủy. Qua đây, tôi muốn cộng đồng hiểu rất đúng về thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ.
- Từ góc độ nhà quản lý, ông có nhận định thế nào về các vấn đề điều trị, phòng chống ung thư cổ tử cung hiện nay?
Chúng ta đang kỳ vọng trong tương lai có thể xóa sổ bệnh ung thư cổ tử cung. Việc này có thể thực hiện được nếu làm tốt vấn đề dự phòng bệnh, trong đó tiêm chủng, xét nghiệm sàng lọc là dự phòng sớm và hiệu quả nhất.
Việc này cần triển khai đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới. Không nên để mỗi cơ sở y tế có một cách hiểu, làm việc không thống nhất hoặc làm tắt, làm bỏ sót quy trình dẫn đến tỷ lệ phát hiện bệnh sớm rất thấp. Thậm chí có những nơi thì làm thừa thãi gây tốn kém chi phí như 6 tháng sàng lọc một lần.
Chúng ta cũng cần loại bỏ các cách hiểu sai, ví dụ kết quả sàng lọc âm tính, có giá trị ba năm không đồng nghĩa với không mắc ung thư trong vòng ba năm, không cần đi khám lại định kỳ.
Ngoài ra, để triển khai sàng lọc tốt, cơ sở y tế còn cần hệ thống phòng xét nghiệm, các bác sĩ được tập huấn đầy đủ; không nên chạy theo các xu hướng chưa được công nhận y khoa, ít giá trị thực tiễn.
Chi Lê