Trong quá trình thực hiện dự án "Phòng tránh HIV cho nam sinh viên trong các trường dạy nghề", nhận thấy rất nhiều bạn còn hiểu lầm về các vấn đề liên quan tới sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục..., Bộ Giáo dục và đào tạo đã tập hợp lại và đưa ra lời giải đáp nhằm giúp các bạn tự kiểm nghiệm về nhận thức cũng quan điểm của mình.
Hiểu lầm 1: Uống nhiệt tình, uống say mới tỏ lòng chân thành, mới là bạn tốt với bạn bè anh em?
Sự thật là một người bạn tốt, chân thành là người luôn có mặt khi bạn cần. Người ấy có thể không quản ngại khó khăn để giúp đỡ bạn. Đó cũng là người ủng hộ các quyết định có lợi cho sức khỏe của bạn. Do vậy, nếu ai đó bảo rằng phải uống rượu nhiệt tình, uống đến say mới tỏ lòng chân thành, mới coi trọng bạn bè anh em, thì người đó chỉ có thể là “bạn rượu” chứ chưa phải là “bạn tốt”.
Trăm năm trong “cõi rượu chè”
Quần tam, tụ ngũ, bạn bè, anh em,…
Ly này ta chúc: “Khỏe thêm”
Giao thông sờ gáy, lại thêm phiền hà.
Ly này: “Đen đủi sẽ qua”
Ra đường gây gổ, về nhà nhiễu nhương.
Ly này: “Tình thương mến thương”
Lái xe vào thẳng… nhà thương “ngủ nhờ”.
Ly này nữa, đi “đèn mờ”
Bắt được “ếch nhái” (HIV, AIDS) về chờ… thăng thiên.
Hiểu lầm 2: Đàn ông có chút rượu sẽ tăng cường khả năng tình dục?
Không phải vậy. Khi uống rượu vào, khả năng kiềm chế sẽ giảm, nam giới có thể nghĩ về chuyện quan hệ tình dục nhiều hơn, và có khả năng sẽ có quan hệ tình dục nhiều hơn khi chưa uống rượu. Nhưng điều này không có nghĩa là khả năng tình dục của họ sẽ tăng lên. Thậm chí, nếu bạn uống quá nhiều thì khả năng cương cứng của cậu nhỏ còn giảm đi, và như thế thì dù có muốn cũng không làm được gì.
Thêm vào đó, khi uống quá nhiều, bạn có thể quên sử dụng bao cao su, hoặc sử dụng bao cao su không đúng cách khi quan hệ tình dục. Điều này sẽ dẫn đến các nguy cơ về sức khỏe cho cả bạn và bạn tình.
Hiểu lầm 3: Bia là đồ uống không có cồn, vì vậy uống bia nhiều sẽ không có hại?
Dù rượu hay bia thì đều chứa cồn, chúng chỉ khác nhau ở nồng độ mà thôi. Đối với cơ thể, cồn được xem như chất độc không hơn không kém. Khi sử dụng thức uống có cồn, rất nhiều cơ quan trong cơ thể phải làm việc cật lực để giải độc và thường là thích ứng với sự độc này. Rượu bia là kẻ nham hiểm bởi nó không làm cho người uống ngộ độc ngay tức khắc (trừ trường hợp ngộ độc nặng như kiểu uống rượu dởm chứa độc chất methanol đưa đến tử vong) mà sẽ phá hủy cơ thể người dùng một cách ngấm ngầm. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe của mình, bạn nên hạn chế sử dụng rượu bia.
Thế Đan