Trong năm em, một đang điều trị tại Đà Nẵng, một điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, ba ở Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi. 7 ca nghi nhiễm còn lại đang được theo dõi ở Bệnh viện Sản - Nhi và tiếp tục làm các xét nghiệm khẳng định.
Bố của một bé gái 13 tháng tuổi đang điều trị ở Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, cách đây một tuần, bé đi học về thì bị sốt liên tục, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, chuyển tuyến đến bệnh viện Sản - Nhi. Hiện bệnh nhi sốt, đau họng, vòm họng xuất hiện giả mạc, ăn uống kém.
Do số bệnh nhi đông, trong khi bạch hầu lây qua đường hô hấp, Bệnh viện Sản - Nhi đã thành lập khu vực cách ly chuyên biệt để điều trị, tránh lây nhiễm chéo.
![Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi khám cho bé gái mắc bệnh bạch hầu.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/10/16/Bac-si-Benh-vien-San-Nhi-kham-6771-7492-1602850005.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FvBtGmoSKPt5eco9xuLk0A)
Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi khám cho bé gái mắc bệnh bạch hầu. Ảnh: Trần Phương.
Ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi phát hiện ca nghi nhiễm đầu tiên cách đây 10 ngày, sau đó Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã phối với Trung tâm y tế huyện Ba Tơ điều tra dịch tễ, cho uống thuốc dự phòng và xử lý môi trường nghi nhiễm.
Khu vực các cháu mắc bệnh bạch hầu ở giáp ranh vùng có dịch bạch hầu của Kon Tum.
Bác sĩ Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, ngành y tế đang lên kế hoạch tiêm phòng bệnh bạch hầu cho tất cả trẻ em ở huyện Ba Tơ từ 49 tháng tuổi trở lên. Tỉnh cũng đề nghị Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ các biện pháp phòng chống dịch, vaccine tiêm phòng.
Từ đầu năm đến nay, bệnh bạch hầu bùng phát ở Tây Nguyên khiến hơn 119 người mắc bệnh, bốn người tử vong. Sau đó dịch lan ra Quảng Trị, Lâm Đồng, Bình Phước...