Trên sân Pleiku hôm 12/4, lần đầu tiên từ đầu mùa, sự bấn loạn xuất hiện ở trong khu kỹ thuật của HAGL.
Kiatisuk bản lĩnh là thế, mà trong 10 phút cuối hiệp hai, gương mặt đanh lại, liên tục nhìn về phía sau để tìm ý kiến tư vấn từ các trợ lý. HAGL có thể thua Sài Gòn FC trong ngày ra quân, bởi khi đó thầy trò Kiatisuk chưa có đủ nhịp điệu chơi bóng cũng như sự may mắn. Nhưng nếu họ để Nam Định chia điểm trên sân nhà khi đã dẫn trước đến 3-0, thì đấy là sự thua kém về nhiệt huyết chơi bóng. Thua chuyên môn còn chấp nhận được, thua về tinh thần, với Kiatisuk hay bầu Đức, đó là một thất bại.
HAGL trận này nhận đến ba bàn thua sau chuỗi năm trận sạch lưới. Đó cũng không phải là vấn đề gì quá nghiêm trọng về chuyên môn. Hai trong ba bàn thua của HAGL đến từ những tình huống cố định, bàn còn lại đến từ cú sút xa quá đẹp mặt của Hoàng Xuân Tân giữa lúc cầu thủ HAGL có phần chủ quan vì đã dẫn đến ba bàn.
Những bàn thua này không khiến cho HAGL tự nhiên yếu đi, ngược lại, nó sẽ giúp họ rút ra bài học về sự tập trung trong thi đấu. Trên thực tế, các học trò của HLV Kiatisuk cũng kịp sửa sai ngay trong trận đấu, với nỗ lực tấn công ở những giây cuối rồi giành được một quả phạt đền mà ở đó Công Phượng ghi bàn quyết định 4-3. Xét đến cùng, HAGL xứng đáng với ba điểm, bởi họ thể hiện được tinh thần chiến đấu, thể lực sung mãn đến tận phút cuối - khi mà áp lực bị mất điểm đang dồn lên đôi chân của họ. Nếu đây là HAGL của các mùa trước, có lẽ khán giả sân Pleiku đã không có dịp vỡ òa niềm vui ở những phút bù giờ.
Và nếu không phải là một HAGL đã hoàn toàn lột xác - một ứng cử viên vô địch đích thực vừa thắng năm trận liền, thì có lẽ Nam Định đã không rời Pleiku trong nuối tiếc.
Sau thất bại Bình Dương hôm 8/4, lần thứ hai liên tiếp Nam Định thua với tỷ số 3-4. Nhưng cái cụm từ tưởng là vô nghĩa "thua mà vẫn ngẩng cao đầu" lại chính xác đến từng chút một với đội bóng của HLV Nguyễn Văn Sỹ. Đó là lựa chọn của họ. Đó là cách họ tìm con đường sinh tồn cho bản thân. Như con phượng hoàng, tự đốt cháy mình rồi hồi sinh từ chính đống tro tàn, để rồi sân Thiên Trường luôn đứng đầu về số lượng khán giả suốt bốn mùa đã qua.
Trận thua HAGL là lần thứ ba mùa này Nam Định làm nên những màn ngược dòng bi tráng. Họ từng bị Hải Phòng dẫn 3-0 đến tận phút 89 tại vòng hai, rồi suýt gỡ hòa. Họ bị Bình Dương dẫn 4-1 đến phút 80, nhưng vẫn kịp gỡ 3-4. Bất kỳ đội bóng nào tự nhận là yếu, thường sẽ "buông" trận đấu nếu bị HAGL dẫn 3-0 chỉ sau 28 phút. Gồng lên đá với một đội đang đứng đầu bảng có vẻ không phải là lựa chọn thông minh. Thông thường, người ta sẽ dành sức cho các trận với những đối thủ trực tiếp.
Nhưng Nam Định thì khác. Ba trận ngược dòng ấy, đều diễn ra trên sân khách. Đến giờ, họ đá chín trận, thắng 4, thua 5 và không hòa. Họ ghi 17 bàn nhưng cũng để thủng lưới 16 lần. Lối chơi tận hiến của Nam Định có thể khiến cho họ phải nhận các thất bại cay đắng như trước HAGL, nhưng đổi lại, trong số bốn trận thắng của họ, đến hai trận có tỷ số 3-0 (trước Hà Nội FC ngày ra quân, và trước Sài Gòn FC ở vòng 6). Sau ba thất bại liên tiếp ở các vòng trước và sau Tết Nguyên đán, đội bóng thành Nam quyết định chơi thực dụng hơn, tập trung vào hàng phòng ngự, và kiếm được ba chiến thắng liên tiếp không để thủng lưới trước Bình Định, Sài Gòn FC và SLNA. Nhưng có vẻ như, những học trò của ông Nguyễn Văn Sỹ cảm thấy chật chội trong "chiếc áo thực dụng" đó. Thế là họ quay lại với phong cách chơi bóng "điên rồ" quen thuộc, để rồi nhận hai thất bại 3-4.
Vì sao Nam Định không chọn cách chơi phòng ngự như nhiều đội bóng bị đánh giá thấp khác - bởi nói cho cùng, đó là cách dễ thực hiện và hiệu quả nhất? Thực tế, Nam Định cũng đã làm, nhưng từ khi được trở lại đá V-League năm 2018 đến nay, điều khiến họ phải vất vả trụ hạng mỗi mùa giải không phải vì thủng lưới quá nhiều mà là ghi bàn quá ít. Một đội bóng đang được dẫn dắt bởi những cầu thủ tấn công hàng đầu trong lịch sử bóng đá Việt Nam như anh em ông Nguyễn Văn Dũng - Nguyễn Văn Sỹ, khó có thể chơi phòng ngự một cách thuần thục được. Nói cách khác, phòng ngự với họ là sở đoản.
Nam Định không phải là một đội chơi tấn công hay. Mảng miếng của họ tương đối đơn giản, chủ yếu khai thác các quả tạt từ biên vào cho những tiền đạo ngoại cao to bên trong. Nhưng có thể nói, phong cách chơi bóng của Nam Định là "tận hiến". Họ có thể thực hiện một vài "tiểu xảo" - như nghi vấn đổ nước làm ướt mặt cỏ sân Thiên Trường, nhưng khi vào sân chơi bóng, họ hầu như không toan tính gì cả. Màn ăn mừng cởi áo khi gỡ hòa 3-3 của Đoàn Thanh Trường trên sân Peliku là một minh chứng về khao khát chiến thắng của cầu thủ thành Nam.
Nhiệt tình chơi bóng của cầu thủ Nam Định giúp họ khỏa lấp sự đơn điệu về bài vở chiến thuật. Phong cách đá bóng thiên về tinh thần, có tốc độ cuồn cuộn của Nam Định chính là một trong những lý do khiến họ mất nhiều bàn thắng nhất từ các quyết định của trọng tài. Không có VAR, không theo kịp tính ngẫu hứng trong các pha bóng của Nam Định, trọng tài thường quyết định theo kiểu an toàn - phủ nhận bàn thắng của đội bóng bị cho là "thấp cổ bé họng" này.
Nhưng đổi lại, chính tinh thần của Nam Định đã khiến sân Thiên Trường luôn là chảo lửa của bóng đá Việt Nam. Bốn mùa liền chơi bóng ở V-League, sân bóng có sức chứa lớn nhất này luôn đứng đầu, kể cả khi đội của họ nằm ở chiều ngược lại bảng điểm. Phía sau những kết quả đầy nuối tiếc, là niềm tự hào của người Nam Định dành cho đội bóng của họ. Phía sau những màn ngược dòng bi tráng của Nam Định, là ngọn lửa đốt nóng V-League - giải đấu đang trở nên chật hẹp, và vụn vặt bởi những câu chuyện có phần nhạt nhẽo về động lực và khát vọng chiến thắng vừa xảy đến ở vòng 9.
Song Việt