Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, hơn 845.400 thí sinh dự thi môn Toán, điểm trung bình cả nước là 6,676. Hơn 153.300 thí sinh (18%) bị điểm dưới trung bình, 195 em bị điểm liệt (từ 1 trở xuống).
10 địa phương có điểm trung bình môn Toán cao nhất đều trên 7, tăng 0,5 điểm so với kỳ thi THPT quốc gia 2019. Nam Định năm thứ tư liên tiếp dẫn đầu về điểm môn Toán với 7.633 điểm. TP HCM tiếp tục giữ vị trí thứ hai, với 7,363 điểm; Bình Dương đứng thứ ba với 7,296.
So với năm 2019, top 10 điểm Toán năm nay vắng Hà Nội và được thế chỗ bởi Tiền Giang. Các vị trí sau Nam Định, TP HCM lần lượt là Bình Dương lên một bậc; Hà Nam xuống một bậc; Thái Bình giữ nguyên; Ninh Bình tăng ba bậc; Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng giảm một bậc; Tiền Giang, Bắc Ninh xuống hai bậc.
Top 10 địa phương có điểm trung bình Toán thấp nhất chủ yếu rơi vào miền núi phía Bắc. Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình tiếp tục có điểm Toán thấp nhất, trung bình dưới 5.
Các tỉnh còn lại, điểm trung bình từ 5,1 đến 5,8 với các vị trí biến động không đáng kể so với năm ngoái: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Yên Bái, Điện Biên, Tuyên Quang, Lai Châu.
Do mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp, nội dung kiến thức và độ khó đề thi giảm nên điểm trung bình môn Toán tăng 1-1,2 điểm so với năm ngoái.
Đánh giá đề Toán thi tốt nghiệp, thầy Phạm Duy Luân, giáo viên Toán trường THCS - THPT Đào Duy Anh, TP HCM, nhận định đề bám sát chương trình cơ bản lớp 12. Chương trình lớp 11 có 5-6 câu về cấp số cộng, xác suất, phép đếm, quan hệ vuông góc trong phần hình học. Nội dung lớp 10 được lồng ghép trong bài toán liên quan đến hàm số, phương trình và bất phương trình mũ, lôgarit.
Đề thi bám sát đề minh họa và đảm bảo cấu trúc 30-35 câu dễ, dành cho các em xét tốt nghiệp THPT. Đề thi phân hóa thí sinh khi từ câu 36 trở đi thuộc mức độ vận dụng cao dần hơn.