Bắt đầu học mầm non là bước chuyển lớn, có thể gây xáo trộn và một vài vấn đề với tâm lý, thể chất với trẻ. Trang Young Parents nêu ra năm dấu hiệu bất thường khi trẻ học mầm non mà người lớn không nên xem nhẹ.
Lây bệnh từ những đứa trẻ khác
Bác sĩ Lim Hwee Ying, chuyên gia cấp cao của Khoa Sơ sinh và Phát triển, Bệnh viện Đa khoa Singapore, cho biết ốm là một phần của sự phát triển nhưng nếu trẻ bị ốm nhiều hơn 10 lần trong một năm, đó là dấu hiệu bất thường.
Bạn cần duy trì hệ miễn dịch cho con bằng cách bổ sung trái cây, rau củ nhiều dinh dưỡng trong khẩu phần ăn và khuyến khích chơi thể thao, hoạt động thể chất. Ngoài ra, việc tập cho trẻ thói quen giữ vệ sinh cá nhân như rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không dùng chung khăn mặt, bàn chải với người khác...
"Đừng quên lịch tiêm phòng cho trẻ, không tự ý mua và lạm dụng thuốc kháng sinh", bác sĩ Lim nhấn mạnh.
Bị bắt nạt
Mức độ bắt nạt ở trẻ mầm non có thể không có những cuộc ẩu đả, gây tổn thương về mặt thể chất như học sinh ở độ tuổi lớn hơn. Tuy nhiên, trẻ có thể nói những câu như "Tớ không muốn chơi với cậu, biến đi!" hoặc "Tớ ghét cậu". Khi bị nhiều bạn bè từ chối chơi cùng bằng những lời này, trẻ có thể ảnh hưởng tâm lý.
Theo Patricia Koh, Giám đốc điều hành hệ thống trường Maplebear Singapore, nếu con buồn vì điều gì xảy ra tại trường, cha mẹ hãy động viên con nói ra. Bạn cũng có thể nói chuyện với giáo viên để tìm hiểu mâu thuẫn giữa những đứa trẻ. Ngoài ra, bạn cần dạy trẻ cách lên tiếng và đề nghị giúp đỡ nếu sự cố xảy ra lần nữa.
Trong trường hợp mâu thuẫn vì tranh giành đồ chơi, bạn nên dạy trẻ cách chờ đợi đến lượt hoặc tổ chức những trò chơi mà đông người có thể tham gia. Học cách xây dựng mối quan hệ tích cực và biết tự mình giải quyết xung đột là những kỹ năng sống có giá trị với bất kỳ ai.
Là kẻ bắt nạt
Khi nhận được phản hồi từ giáo viên hoặc phụ huynh khác về việc trẻ hay đánh hoặc giành đồ chơi với bạn bè, bạn cần bình tĩnh. Không nên vội vàng thanh minh hoặc kết luận "Con tôi ở nhà rất ngoan, chắc chắn có nhầm lần gì đó" khi không thật sự được chứng kiến những gì trẻ làm tại lớp.
Những đứa trẻ đi bắt nạt người khác thường gặp một số vấn đề về tâm lý, đôi khi xuất phát từ chính gia đình. Bạn cần tìm hiểu thì mới loại bỏ được hành vi này ở trẻ. Đối thoại là cách các chuyên gia luôn khuyến khích áp dụng.
Hãy nói chuyện với con và tìm hiểu chuyện gì xảy ra, tại sao trẻ làm như vậy và dạy cách chịu trách nhiệm. Ví dụ, nếu chơi xấu bạn khác trong sân trường, trẻ nên xin lỗi hoặc bị cấm vui chơi tại đây. Song song với việc trừng phạt, bạn cần ghi nhận và dành lời khen nếu trẻ tỏ thái độ hợp tác và thay đổi.
Không thích giáo viên
Bạn nên nói chuyện với con để hiểu nguyên nhân gây ra cảm xúc tiêu cực này. Chẳng hạn, giáo viên có thể rất cao, nói to hoặc trông dữ dằn. Điều này có thể khiến con sợ hãi. Trẻ cũng có thể khó chịu với giáo viên vì không ghi nhận nỗ lực hoặc thiên vị những bạn khác. Tuy nhiên, bạn cần nhớ không phải lúc nào trường hợp "trẻ con không biết nói dối" cũng xảy ra. Nhiều đứa trẻ khá sắc sảo hoặc xuất phát từ tâm lý sợ bị mắng nên tìm cách đổ lỗi cho người khác.
Để không hành động vội vàng, bạn nên kể chuyện này với một số phụ huynh khác xem con của họ có gặp tình huống tương tự, sau đó mới trao đổi với giáo viên để tìm cách giải quyết tốt nhất. Các nhà giáo có tâm và hết lòng vì học sinh sẽ sẵn sàng phản hồi tích cực và nỗ lực thay đổi. Ngược lại, nếu giáo viên tỏ thái độ không hợp tác, bạn có thể cân nhắc việc chuyển lớp hoặc trường cho trẻ.
Trẻ dường như không học được gì
Nếu thấy trẻ không tiến bộ và gần như chẳng tiếp thu được gì sau quá trình học tập, cha mẹ cần trao đổi với giáo viên xem vấn đề là do nhận thức của trẻ hay phương pháp dạy chưa phù hợp. Nếu vấn đề từ phía trẻ, bạn nên đưa đến gặp bác sĩ để thực hiện các bài kiểm tra về nhận thức, tư duy, từ đó có căn cứ chọn trường phù hợp. Trường hợp triết lý giáo dục hoặc phương pháp dạy của giáo viên chưa phù hợp, bạn có thể để nghị thầy cô thay đổi để con dễ tiếp thu.
Thanh Hằng (Theo Young Parents)