Sáng 27/8, Tổ chức Động vật châu Á đã tổ chức cứu hộ 5 cá thể gấu ngựa tại một trang trại tư nhân ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Cả 5 con đều là gấu ngựa, được gắn chip đăng ký và đặt tên Kim, LeBon, Star, Mai và Mekong, nuôi giữ từ năm 1997-1998.
Chủ trang trại đã nhốt hai cá thể gấu trong một lồng sắt nhiều năm với mục đích sinh sản nhưng không có kết quả. Đến nay, chủ trại làm đơn tự nguyện chuyển giao về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam của Tổ chức Động vật châu Á.
Đoàn công tác bao gồm các bác sĩ thú y, y tá và chuyên gia chăm sóc gấu giàu kinh nghiệm và chuyên môn, sẵn sàng ứng phó với mọi trường hợp khó khăn nhất. Để thu hút chú ý, chị Sarah Donald, y tá thú y đã cho gấu ăn mật ong trong khi chị Mandala bác sĩ chính khám lâm sàng cho gấu.
Theo kế hoạch, Star sẽ là chú gấu được chuyển lồng đầu tiên. Các thanh sắt tại lồng nuôi sẽ được cắt và lồng vận chuyển được đặt sát để dụ Star sang. Với những cá thể gấu tiếp theo, dựa trên sức khỏe thăm khám ban đầu, đội cứu hộ sẽ lựa chọn phương án phù hợp.
Sau khi cứu hộ, các cá thể gấu sẽ được chuyển về trung tâm chăm sóc sức khỏe, tập luyện để phục hồi tập tính tự nhiên.
Từ đầu năm đến nay, có 8 con gấu tại 5 tỉnh thành được chuyển giao cho các trung tâm cứu hộ.
Năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới khởi xướng chương trình đăng ký và gắn chíp điện tử cho hơn 4.300 con gấu đang bị nuôi nhốt tại các cơ sở trên toàn quốc. Đây là bước đi đầu tiên trong nỗ lực chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.
Trong 13 năm qua, nhờ cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, cũng như nỗ lực thực thi pháp luật của Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, sự hỗ trợ từ tổ chức phi chính phủ và cộng đồng, số gấu nuôi nhốt ngoài các trung tâm cứu hộ trên cả nước chỉ còn khoảng 780 (tính đến tháng 7/2018).