Cuốn Khảo cổ học Champa: Khai quật và phát hiện, TS Lê Đình Phụng viết: "Điêu khắc Champa là nền nghệ thuật điêu khắc mang nội dung tôn giáo, được thể hiện trên hai loại hình chất liệu phổ biến là gạch và đá".
Mỹ thuật trang trí chạm khắc trực tiếp lên khối gạch xây được biểu thị rõ nét ở tháp Mỹ Khánh (Thừa thiên Huế), Hòa Lai (Ninh Thuận), thể hiện trên các bộ phận kiến trúc như: đế, cột góc, tường tháp. Họa tiết được chạm khắc trên nền gạch này là các hình thú linh vật (voi, sư tử), hoa văn xoắn, cánh sen... Đặc biệt, trên một số bức tường tại Mỹ Sơn D1 có khắc tạc hình ảnh triều đình Chămpa.

Các hoạ tiết được chạm khắc trên chất liệu gạch ở tháp Chàm Mỹ Sơn (Quảng Nam). Ảnh: Tuấn Đào.
Nghệ thuật chạm khắc trên gạch của người Chăm, được PGS Ngô Văn Doanh trong cuốn Văn hoá cổ Chămpa nhắc đến là "bí ẩn thứ hai trong xây dựng tháp Chàm", gây nhiều tranh cãi. Có huyền thoại nói, tháp Chàm được xây bằng gạch mộc rồi mới nung vì chỉ trên gạch chưa nung mới có thể đục đẽo được những nét, khối tinh tế, chau chuốt như đồ kim hoàn. Có ý kiến lại cho rằng người Chăm khắc hoa văn lên gạch còn ướt sau đó đem nung. Khi xây tháp, họ xếp các gạch đã khắc hoa văn này liên tục theo mô típ đã được định trước.
"Tuy nhiên ở nhiều tháp như Hòa Lai, Po Nagar, vẫn còn những hoa văn trên tường còn đang ở dạng phác họa hoặc được chạm dở dang và liên tục với những hoa văn đã hoàn chỉnh. Hơn nữa không hề có một dấu vết gẫy hoặc chệch của những đường nét hoa văn. Tất cả điều trên chứng tỏ người Chàm đã đục đẽo, chạm khắc hoa văn trực tiếp lên tường gạch", sách Văn hoá cổ Chămpa viết. Tác giả cuốn sách cho rằng chính chất gạch đặc biệt đã biến mặt tường tháp Chàm thành chất liệu điêu khắc lý tưởng. Gạch nhẹ, xốp, khi đục đẽo lên đó không hề sứt mẻ mà chỉ vụn tơi ra ở đầu mũi đục hoặc lưỡi dao.
Chuyên gia nghiên cứu Chămpa Ngô Văn Doanh dẫn lời nhà nghiên cứu mỹ thuật phương Đông B.Groslier ghi trong cuốn Indochine (Carefour de arts, Paris, 1961), cho biết không phải đến giờ các nhà khoa hoạc mới khâm phục tài nghệ xây dựng bằng vật liệu gạch của người Chàm cổ mà từ thế kỷ 5-6 sử liệu Trung Quốc đã phải công nhận người Chàm là bậc thầy trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch.
Câu 5: Những hình khối điêu khắc Linga (sinh thực khí nam giới) và Yoni (sinh thực khí nữ giới) xuất hiện nhiều ở các đền tháp Chàm, là biểu tượng của tín ngưỡng gì?