Hồng lâu mộng là một trong "Tứ đại danh tác" của văn học Trung Quốc, ra đời vào khoảng giữa thế kỷ 18, đời nhà Thanh. Tác phẩm có 120 hồi, 80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần viết, 40 hồi sau do Cao Ngạc viết thêm và soạn thành sách.
Hồng lâu mộng còn có một số tên khác như Thạch đầu ký, tức chuyện Thần Anh đầu thai xuống hạ giới trả nợ tình duyên rồi lại trở về kiếp đá; Kim Ngọc kỳ duyên vì Bảo Thoa có vàng, Bảo Ngọc có ngọc nên Bảo Ngọc lấy Bảo Thoa là "Kim Ngọc kỳ duyên".
Tác phẩm xoay quanh câu chuyện tình duyên trắc trở giữa hai anh em con cô con cậu Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, từ đó mô tả cuộc sống nhiều mặt của một đại gia đình quý tộc đời Minh từ lúc cực thịnh cho đến lúc suy vi trong tám năm.

Một bản khắc gỗ tác phẩm Hồng lâu mộng thời nhà Thanh.
Theo các nhà nghiên cứu, Hồng lâu mộng là bức tranh hiện thực rộng lớn về xã hội phong kiến Trung Quốc trên con đường suy tàn. Cái vẻ ngoài tôn nghiêm nề nếp không che đậy được thực chất mọt ruỗng của giới thượng lưu sống trong Giả phủ.
Nhà văn Lỗ Tấn nhận xét "Điểm khác biệt của Hồng lâu mộng với các cuốn tiểu thuyết trước đây là dám tả thật không che đậy. Bởi vậy, các nhân vật được miêu tả ở đây đều là những con người thật. Nói chung sau khi Hồng lâu mộng ra đời, cách viết và cách tư duy truyền thống đã hoàn toàn bị phá vỡ".