Xuân Diệu (1916-1985) tên đầy đủ là Ngô Xuân Diệu, quê làng Trảo Nha (Can Lộc, Hà Tĩnh), nhưng sinh tại huyện Tuy Phước (Bình Định). Ông là một trong những tên tuổi lớn nhất của phong trào Thơ mới nói riêng và thơ ca Việt Nam thế kỷ 20.
Lớn lên ở Bình Định, sau khi tốt nghiệp tú tài, Xuân Diệu đi dạy học. Ông tốt nghiệp cử nhân luật năm 1943 và làm tham tá Thương chánh ở Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) một thời gian trước khi chuyển ra Hà Nội.
Bài thơ Đây mùa thu tới rút từ tập Thơ thơ xuất bản năm 1938. Đây là tập thơ đầu tiên của Xuân Diệu.
Trong bài Lời đưa duyên giới thiệu tập thơ, Xuân Diệu viết: "Đây là lòng tôi đương thời sôi nổi, đây là hồn tôi vừa lúc vang ngân và đây là tuổi thanh xuân của tôi, và đây là sự sống của tôi nữa.
Tập thơ đầu tay của tôi đây, bạn chớ bắt chước những người không khôn ngoan, họ không biết quý phần ngon nhất của cuộc đời: Tình yêu và tuổi trẻ. Tôi gửi hồn tôi cho những người trẻ tuổi và nhất là trẻ lòng".
Bài thơ này từng được sử dụng trong chương trình Văn học lớp 11 giai đoạn 1990-2006.
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;
Những luồng run rẩy rung rinh lá...
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ...
Non xa khởi sự nhạt sương mờ...
Đã nghe rét mướt luồn trong gió...
Đã vắng người sang những chuyến đò...
Mây vẩn từng không, chim bay đi,
Khí trời u uất hận chia ly.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì.
Nhà nghiên cứu Văn Tâm trong sách Giảng văn Văn học Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục, 1998) bình giảng: Bài thơ không bộc lộ trực tiếp nỗi buồn nhưng cũng không che giấu nỗi sầu khô quạnh: Bầu trời cô đơn, đến nàng trăng kia cũng không còn biết ngẩn ngơ cùng ai mà phải "tự ngẩn ngơ"; mặt đất cô đơn vì người không đoàn tụ, chim chóc chia lìa. Đây mùa thu tới như một bức tranh cổ lụa sắc lạnh, thiếu nụ cười ấm áp nhưng ẩn tàng một ý vị triết luận bổ ích.
Câu 2: "Xuân" là một bài thơ với ý tưởng kỳ lạ, tựa là mùa xuân nhưng tác giả muốn quay về mùa thu trước, chắn nẻo xuân sang. Bài thơ này của ai?