Đặng Trần Côn là tác giả của "Chinh phụ ngâm", được xem là kiệt tác văn học viết bằng chữ Hán của Việt Nam. Tiểu sử của Đặng Trần Côn các tư liệu đề cập rất ít, kể cả năm sinh năm mất cũng không biết chính xác. Các nhà nghiên cứu ước đoán ông sinh vào khoảng năm 1710 đến 1720, mất khoảng 1745, sống vào thời vua Lê chúa Trịnh.
"Chinh phụ ngâm" (nghĩa là lời than vãn của người phụ nữ có chồng đi đánh trận, tên gọi khác "Chinh phụ ngâm khúc") ra đời năm 1741, về sau được nhiều người dịch ra thơ Nôm. Tác phẩm chủ yếu viết theo lối tập cổ dài 476 câu thơ theo thể trường đoản cú; câu dài nhất khoảng 12-13 chữ, câu ngắn chỉ 3-4 chữ. Một đoạn trích 12 câu của bài thơ này đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn trong chương trình THCS.
"Chinh phụ ngâm" nói lên tâm sự của người vợ có chồng đang rong ruổi nơi biên thùy thời loạn lạc. Tác phẩm mở đầu với khung cảnh của chiến tranh ác liệt và nhà vua truyền hịch kêu gọi mọi người tham gia chiến cuộc.
Trong bối cảnh này, người vợ hình dung cảnh chồng lên đường phò vua giúp nước, ra đi với quyết tâm giành hàng loạt thành trì dâng vua, hùng dũng trong chiếc chiến bào thắm đỏ và cưỡi con ngựa sắc trắng như tuyết. Cuộc tiễn đưa lưu luyến kết thúc, người chinh phụ trở về khuê phòng và tưởng tượng ra cảnh sống của chồng nơi chiến địa.
Kết thúc khúc ngâm, người chinh phụ hình dung ngày chồng chiến thắng trở về giữa bóng cờ và tiếng hát khải hoàn, được nhà vua ban thưởng và cùng nàng sống hạnh phúc trong thanh bình, yên ả.
Có nhiều bản dịch và phỏng dịch tác phẩm này của Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Khản, Bạch Liên Am Nguyễn, Phan Huy Ích. Bản dịch thành công và phổ biến nhất xưa nay theo thể song thất lục bát được cho là của Đoàn Thị hoặc Phan Huy Ích.
Câu 2: "Cung oán ngâm khúc" là tác phẩm văn học kiệt xuất của Nguyễn Gia Thiều, được viết bằng chữ gì?