Sơn Nam (1926-2008) là nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa, tên thật là Phạm Minh Tài, quê ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Ông được nhiều người gọi yêu là "ông già Nam Bộ", "ông già đi bộ", "pho từ điển sống về miền Nam" hay "nhà Nam Bộ học".
Theo giới thiệu của NXB Trẻ, thuở nhỏ, Sơn Nam học tiểu học tại quê nhà, rồi học trung học tại Cần Thơ. Năm 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền phong, rồi lần lượt công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ.
Bút danh Sơn Nam ra đời trong thời gian này, để tưởng nhớ người phụ nữ Khmer đã cho ông bú mớm thời thơ ấu. Sơn là một họ lớn của người Khmer, Nam là để nhắc nhớ mình là người phương Nam.
Sáng tác đầu tiên của Sơn Nam là tập thơ mang tựa đề Lúa reo (1948), tiếp sau đó là hai truyện ngắn Bên rừng Cù Lao Dung và Tây đầu đỏ. Nhưng, cái tên Sơn Nam bắt đầu được người ta nhớ nhất qua Hương rừng Cà Mau (1962), tiếp sau đó là một loạt các tác phẩm: Chim quyên xuống đất (1963), Hình bóng cũ (1964), Vạch một chân trời (1968), Hai cõi U Minh, Vọc nước giỡn trăng, Bà chúa hòn...
Trong một bài nghiên cứu về Sơn Nam, nhà nghiên cứu Võ Văn Sơn (Đại học Tiền Giang cho biết, nhà văn được giới văn học cả nước biết đến như một tài năng của văn chương Nam Bộ. Ông không những là nhà văn mà còn được đánh giá cao như một nhà Nam Bộ học, một nhà văn hóa về đất và người phương Nam từ thời khẩn hoang. Điều làm nên hiện tượng độc nhất vô nhị trên văn đàn Việt Nam, những gì nhà văn Sơn Nam viết ra rất được người bình dân yêu thích.
Trong bài viết "Sơn Nam - nhà Nam Bộ học" năm 2013, tác giả Huỳnh Công Tín cho rằng: "Nhà văn Sơn Nam là người am hiểu nhiều vấn đề Nam Bộ; biết rõ tâm lý, tính cách con người Nam Bộ. Các sáng tác của ông đã giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu những vấn đề Nam Bộ từ nhiều phương diện: lịch sử, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, lễ hội, phương ngữ, ngành nghề... Tôi kính trọng nhà văn Sơn Nam không chỉ ở văn nghiệp đồ sộ mà còn ở tính cách con người Nam Bộ bình dị, hòa đồng và tấm lòng biết nâng đỡ thế hệ đi sau".
Hương rừng Cà Mau là tác phẩm quen thuộc với nhiều độc giả của Sơn Nam. Với hơn 900 trang sách, tác phẩm là những câu chuyện về làng quê, về nông thôn, nhất là vùng quê Tây Nam Bộ.
Câu 4: Nhân vật chính trong tác phẩm "Người mẹ cầm súng" của nhà văn Nguyễn Thi được lấy từ nguyên mẫu nào?