Nhà văn, nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển (1902-1996) được xem là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam, rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Vương Hồng Sển có các bút hiệu Anh Vương, Đạt Cổ Trai, Vân Đường, người Minh Hương. Theo cách phát âm Hán Việt, chữ Sển đọc đúng là Thạnh, nhưng khi khai sinh người viết nghe đọc âm Thạnh (giọng Phước Kiến) nên viết trong giấy khai sinh là Sển, nên tên ông thành Vương Hồng Sển.
Cố tổ phụ nguyên quán thôn Lâm Mễ, làng Quan Khảo huyện Đổng Ấn, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến (Trung Quốc), đến đời tổ phụ sang cư ngụ tại làng Khánh Hưng, tổng Nhiêu Khánh, tỉnh Nguyệt Giang (sau đổi là Sóc Trăng).
Ông mang ba dòng máu Việt, Hoa, Miên ở Sóc Trăng (cha Hoa, mẹ Việt - Khmer). Năm 8 tuổi, ông vào học trường sơ học làng Khánh Hưng, năm 18 tuổi đậu bằng Tiểu học Pháp Việt. Năm 1919, ông lên Sài Gòn theo học tại trường Chasseloup Laubat (nay là trường THPT Lê Quý Đôn), đến năm 1923 thi đỗ Brevet - Elementaire và bằng Thành chung.
Năm 1923, ông ra trường, được bổ chức thư ký tại Trường máy Đỗ Hữu Vị, nay là Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, sau đó làm việc tại Tòa bố Sa Đéc, Sở Địa bộ tỉnh Sóc Trăng.
Năm 1938, ông về Sài Gòn làm việc ở Phòng dân sự Dinh Thống đốc Nam Kỳ. Cuối năm 1941, ông được biệt phái lên Đà Lạt tùng sự tại Dinh Toàn quyền Decoux với chức danh "Thơ ký hạng nhất"; năm 1943 đổi về quê nhà làm việc ở tòa bố Sóc Trăng cho đến ngày hưu trí ngạch công chức Nam Kỳ.
Sau 1945, ông được tổ chức Thanh niên Tiền phong địa phương tiến cử làm Phó tỉnh trưởng hành chánh tỉnh Sóc Trăng, cho đến ngày Pháp tái chiếm Nam Bộ. Năm 1947, ông bị bệnh, ông lên Sài Gòn điều trị.
Hai năm sau đó, ông làm việc với tư cách hợp đồng ở Viện Bảo tàng Sài Gòn, về sau giữ chức Giám đốc viện này. Năm 1963, ông nghỉ hưu về sống tại Gia Định. Sau ngày về hưu, ông được mời giảng một số chuyên đề văn học miền Nam và cổ ngoạn tại Đại học Văn khoa Sài Gòn và Huế.
Vương Hồng Sển sống gần trọn thế kỷ 20, chứng kiến nhiều biến cố lịch sử Việt Nam ở miền Nam. Có thể nói, ông là người am tường về nhiều lĩnh vực liên hệ đến văn hóa Nam Bộ và là nhà cổ ngoạn độc nhất ở Việt Nam. Ông sưu tập được một số lớn đồ cổ Trung Hoa, Việt Nam có giá trị nghệ thuật độc đáo mà giới văn hóa thân quen gọi thân mật là "Cụ Vương cổ ngoạn".
Các tác phẩm của ông: Thú chơi sách, Sài Gòn năm xưa, Hồi ký 50 năm mê hát, Truyện cười cổ nhân, Phong lưu cũ mới, Thú xem truyện Tàu, Thú chơi cổ ngoạn, Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa, Cảnh Đức trấn đào lục, Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn, Khảo về đồ sứ từ hậu Lê đến sơ Nguyễn, Những đồ sứ do đi sứ mang, Sài Gòn tạp pín lù, Những đồ sứ khác, Tự vị Tiếng Việt miền Nam, Hơn nửa đời hư.
Trước khi qua đời, ông tự nguyện hiến tất cả gia tài gồm ngôi nhà cổ, đồ cổ ngoạn, và sách vở đã sưu tầm được trong hơn 70 năm cho chính quyền để làm một Tàng cổ Vương Hồng Sển TP HCM.