Khi quy hoạch và xây dựng Kinh thành Huế, các nhà kiến trúc Việt Nam đầu thế kỷ 19 đã tạo ra hệ thống cửa thành rất phong phú, giúp giao thông thuận tiện. Hệ thống giao thông ấy bao gồm cả đường bộ và đường thủy, người xưa dùng chữ "môn" để chỉ cửa đường bộ và chữ "quan" chỉ cửa đường thủy.
Theo sách Huế, kinh thành và cung điện, Kinh thành Huế có tất cả 13 cửa, gồm 11 cửa đường bộ và 2 cửa đường thủy. Hai cửa đường thủy là Đông thành Thủy quan và Tây thành Thủy quan nằm ở hai đầu sông Ngự Hà trong Đại Nội.
11 cửa đường bộ gồm 10 cửa chính và một cửa phụ là Trấn Bình Môn dùng để thông thương với Trấn Bình Đài (Mang Cá Nhỏ).
10 cửa đường bộ, bên trên đều xây vọng lâu, chia thành 4 cửa ở mặt tiền (Thể Nhơn Môn, Quảng Đức Môn, Chánh Nam Môn, Đông Nam Môn), 2 cửa mặt tả (Chánh Đông Môn, Đông Bắc Môn), 2 cửa mặt hữu (Chánh Tây Môn, Tây Nam Môn), 2 cửa mặt hậu (Chánh Bắc Môn, Tây Bắc Môn).
10 cửa chính của Kinh thành Huế đều có kích thước giống nhau, chỉ trừ một số chi tiết kiến trúc. Chiều cao là 17,42 m, bao gồm phần cửa ở dưới 8,5 m, phần vọng lâu ở trên 8,92 m. Các cửa thành đều được xây bằng gạch gồ, đá và vôi mật.
>>Quay lại