Bị cáo Năm Cam tại phiên tòa. |
Luật sư Trừng phân tích rằng Nguyễn Tuấn Hải (Hải "Bánh") mới là người có mâu thuẫn trực tiếp với Dung Hà, bởi bà trùm gốc Hải Phòng này nhiều lần cho đàn em đến quậy phá tiệm uốn tóc của Hải và vũ trường Phi Thuyền - nơi Hải bảo kê. Ông nói: “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu. Chính vì vậy Hải tổ chức giết Dung Hà là hợp lý”. Điều này phù hợp với lời khai của Hải tại cơ quan điều tra: “Chị Dung đàn áp tôi nhiều quá”. Hơn nữa tính chủ động trong hành vi giết người của Hải còn thể hiện rõ qua việc chưa hỏi ý kiến Năm Cam, đêm 29/9/2000 Hải đã cùng Long “Tây”, Trường “Xoăn” và Hưng đi tìm Dung Hà.
Về câu nói của Năm Cam: "Anh không muốn thấy mặt Dung Hà nữa, chú muốn làm gì thì làm. Nếu có dính dáng đến pháp luật thì để anh lo", theo luật sư Nguyễn Đăng Trừng, có thể suy đoán theo nhiều hướng. “Nhưng áp dụng quy tắc suy đoán có lợi cho bị cáo, tôi hiểu là Năm Cam chỉ muốn Hải đánh, chém hay tạt axit gây thương tích cho Dung Hà mà thôi. Việc Hải “Bánh” tổ chức giết Dung Hà là nằm ngoài ý muốn của Năm Cam. Nếu Năm Cam là chủ mưu giết Dung thì phải lập kế hoạch hành động chứ không phải chỉ có một câu nói đó với Hải”.
Từ các lập luận trên, luật sư Trừng đề nghị tòa không truy tố Trương Văn Cam về tội giết người ở điểm o, q khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự (giết người có tổ chức, vì động cơ đê hèn), mà chuyển sang xem xét theo khoản 2 với mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù giam.
Về hành vi đưa hối lộ của Năm Cam, luật sư Nguyễn Đăng Trừng đề nghị tòa xem xét thêm 2 điểm: Thứ nhất, trước khi bị bắt tập trung cải tạo, Năm Cam đã đưa cho Trần Văn Thuyết 10.000 USD, sau đó Dương Ngọc Hiệp khai đã đưa Thuyết 70.000 USD và 20 triệu đồng. Như vậy tổng số tiền là 80.000 USD và 20 triệu đồng. Tuy nhiên các bị cáo nhận hối lộ chỉ thừa nhận số tiền 10.500 USD và 17,5 triệu đồng, riêng Trần Văn Thuyết chiếm dụng 17.000 USD. Còn lại số tiền 52.500 USD và 2,5 triệu đồng biến đi đâu? Tương tự, Năm Cam khai lấy 398 triệu đồng tiền xâu từ các sòng bạc tại TP HCM để đưa hối lộ, nhưng các bị cáo chỉ khai nhận 26 triệu đồng. Vậy 372 triệu đồng còn lại giờ ở đâu? Luật sư Trừng nhấn mạnh: “Bộ luật Hình sự quy định người đưa hối lộ từ 300 triệu đồng trở lên sẽ nhận mức hình phạt cao nhất là tử hình. Không lẽ Năm Cam khai khống trên 300 triệu đồng để nhận tội tử hình?”.
Luật sư Nguyễn Đăng Trừng cũng đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh, nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội của Năm Cam. Bởi bị cáo mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống nhờ vào người anh rể, lớn lên trong khu vực nổi tiếng tệ nạn tại đường Tôn Đản, quận 4. Do ảnh hưởng của môi trường nên đã sớm bước vào con đường giang hồ (từ năm 15 tuổi). “Cổ học tinh hoa có chuyện cây cam trồng trên đất này thì cho quả ngọt, mang trồng sang đất khác sẽ cho quả chua. Tôi nghĩ đó cũng là trường hợp của Trương Văn Cam” - luật sư nói.
Theo ông Trừng, sau năm 1975, Năm Cam đã có ý định “rửa tay gác kiếm” nhưng tay lỡ đã nhúng chàm nên hoàn lương không dễ. “Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án tôi rất chua xót khi thấy nhiều cán bộ công an cấp thành phố đi công tác ngửa tay xin tiền Năm Cam. Chính những cán bộ thoái hóa đó là sợi dây ràng buộc Năm Cam vào con đường giang hồ. Nếu những người bảo vệ pháp luật kiên định hơn thì có lẽ Năm Cam đã bị bắt sớm hơn, và đã không phải nhận 2 án tử hình như hôm nay. Dù gia đình có nhiều người liên quan thì Năm Cam vẫn khai báo thành khẩn… Tôi trình bày tất cả những điều đó để tha thiết mong quý tòa xem xét mà khoan hồng cho các bị cáo trong vụ án này, trong đó có thân chủ của tôi là Trương Văn Cam. Xin HĐXX xem xét và tha tội chết cho Trương Văn Cam”.
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên - người bào chữa chỉ định cho Nguyễn Tuấn Hải - lại cho rằng chính Năm Cam đã chỉ đạo Hải "Bánh" giết Dung Hà. Bà phân tích án rất sát với những gì thể hiện trong kết luận điều tra và cáo trạng: Năm Cam giúp đỡ vật chất cho Dung khi cô ta mới vào Sài Gòn. Sau đó Dung mở sòng bạc cạnh tranh, gây mâu thuẫn với Năm Cam. Đó là mâu thuẫn sống còn không thể dung hòa được, nên việc Năm Cam tổ chức giết Dung Hà là hoàn toàn hợp lý. Còn mâu thuẫn giữa Hải “Bánh” và Dung Hà không trầm trọng, có thể dung hòa, vì Dung chỉ muốn lôi kéo Hải cùng làm ăn với mình.
Theo luật sư Liên, Hải “Bánh” là dân giang hồ nên rất hiểu câu nói của Năm Cam, theo như lời khai của Hải: “Đàn anh đã ra lệnh thì đàn em phải thực hiện bằng bất cứ giá nào”. Hải cũng rất tin tưởng vào khả năng “chạy tội” của Năm Cam vì đã nhiều lần nghe nói và chứng kiến uy thế đó của “ông trùm”.
Về hành vi tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép, bà Liên cho rằng Hải chỉ mang súng để phòng thân. Vì vậy xin được hưởng chính sách khoan hồng để giảm hình phạt cho bị cáo. Luật sư nói: “Bản án chung thân là quá nặng, xin cho bị cáo được hưởng mức án phạt tù có thời hạn để được trở về đoàn tụ cùng gia đình”.
Đối với bị cáo Nguyễn Việt Hưng, luật sư Phạm Thị Ngọt tập trung phân tích việc Hưng không phải là kẻ chủ mưu, do đó cũng không chắc Hưng phạm tội vì động cơ đê hèn: “Động cơ đê hèn tôi thấy chưa thể hiện rõ. Tôi mong muốn HĐXX xem xét lại vì suy cho cùng bị cáo Hưng cũng chỉ là người bị rủ rê, lôi kéo”. Bà Ngọt cũng đề nghị HĐXX xem xét đến nhân thân, tình trạng của Hưng khi xảy ra hành động phạm tội (đã uống rượu, là một con nghiện, còn nông nổi…), cũng như việc Hưng đã khai báo thành khẩn, để giảm nhẹ hình phạt, “cho bị cáo Hưng một cơ hội sửa chữa”.
Nguyễn Xuân Trường là bị cáo có nhiều luật sư bào chữa nhất trong phiên tòa hôm thứ bảy, trong đó bà Trần Thị Bích Phượng là luật sư chỉ định, các ông Đồng Đăng Thục và Nguyễn Việt Vương là do gia đình mời. Luật sư Phượng phân tích: “Nguyễn Xuân Trường chỉ là đồng phạm đột xuất ngẫu nhiên vì khi xảy ra sự việc Trường rất hoảng sợ, phải nhờ Hưng chỉ đường chạy xe. Trường chỉ là đàn em hờ của Hải “Bánh” chứ không phải là đồng bọn giúp sức, không hề được phân công trước đó. Trường chỉ là một công tử nhà giàu ăn chơi đua đòi chứ không phải hạng người đâm thuê chém mướn chuyên nghiệp... Tất cả những điều đó cho thấy vai trò của Trường trong vụ án giết Dung Hà rất mờ nhạt. Chỉ vì nông nổi và bị áp lực về tinh thần nên buông tay làm theo lời Hải. Bản chất của Trường còn có thể cải tạo được. Xin HĐXX xem xét lại trường hợp phạm tội của Trường vì bản án chung thân như VKS đề nghị có phần nghiêm khắc. Áp dụng khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự với hình phạt tù 12-15 năm cũng đủ răn đe bị cáo Trường, và thể hiện chính sách khoan hồng của nhà nước ta”.
Kế tiếp, luật sư Đồng Đăng Thục và Nguyễn Việt Vương cũng phân tích việc Trường không phải là đồng phạm tổ chức để đề nghị tòa giảm nhẹ hình phạt. Chủ tọa Bùi Hoàng Danh phải nhắc nhở, nếu có nhiều luật sư cùng bào chữa cho một bị cáo thì phải bàn bạc thống nhất, tránh trình bày trùng lặp cùng vấn đề.
Luật sư Nguyễn Việt Vương còn là người bào chữa cho bị cáo Lê Thị Hồng Ngọc. Ông cho rằng VKS luận tội bị cáo Ngọc che giấu tội phạm là “chưa thỏa đáng”. Bởi tội này đòi hỏi phải có những hành vi cụ thể, thể hiện ra ngoài như nuôi dưỡng, chứa chấp hay cung cấp phương tiện cho người phạm tội trốn tránh pháp luật. Bị cáo Ngọc dù có nghe một số bị cáo trong vụ án Phan Lê Sơn nói chuyện tại quán ăn Tân Hải Vân sau khi gây án cũng không thể biết chính xác ai là thủ phạm... Luật sư đề nghị tòa xem xét thêm một số tình tiết để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo như chưa có tiền án, tiền sự, có nhiều hoạt động từ thiện. “Bị cáo Ngọc suy cho cùng là một điển hình của người ngay sợ kẻ gian trong một giai đoạn không tin tưởng vào sự bảo vệ của cơ quan pháp luật, nên mới bị liên quan đến vụ án. Mức án treo 18-24 tháng do VKS đề nghị vẫn chưa tương xứng, chỉ tuyên phạt cảnh cáo để răn đe chung là đủ”.
Bào chữa cho bị cáo Võ Quang Thắng, luật sư Nguyễn Văn Sãi cho rằng cần xem xét Quang Thắng có chức vụ quyền hạn cụ thể gì thì mới buộc bị cáo được tội “lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản”. Theo ông từ sau năm 1994, Quang Thắng là phó ban thư ký báo Công an TP HCM chỉ duyệt bài thời sự chính trị chứ không phải là phóng viên an ninh xã hội, không thể biết rõ việc biết Năm Cam tổ chức đánh bài ở quận 4 để “tống tiền”. Còn đối với nhà hàng Thanh Vy, VKS không hề nhắc đến hành vi chứa gái mại dâm, vì vậy cũng không thể buộc tội Quang Thắng là biết mà không viết bài phản ánh. Mối quan hệ giữa Quang Thắng với Công ty Tamexco là quan hệ công tác. Trong chuyến du lịch Singapore do Tamexco tổ chức không chỉ có Thắng mà còn có Nguyễn Mạnh Trung và phó phòng quản lý đô thị quận Tân Bình. VKS không truy cứu trách nhiệm với 2 đối tượng này thì cũng không nên truy cứu Thắng.
Về việc VKS cáo buộc Thắng đã chiếm đoạt 150 triệu đồng, luật sư Nguyễn Văn Sãi nói: “Đó chỉ là quan hệ xã hội bình thường. Đề nghị áp dụng quy tắc có lợi cho bị cáo, không tính tiền ăn nhậu (gần 100 triệu đồng) vào tổng số tiền cáo buộc, như đã áp dụng cho trường hợp bị cáo Hoàng Linh và Dương Minh Ngọc”. Luật sư chỉ yêu cầu HĐXX xem xét lại tội danh của Võ Quang Thắng, không đề nghị cụ thể mức án hay điều khoản áp dụng hình phạt.
Ngày 5/5, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần trình bày của các luật sư còn lại.
Nghĩa Phương