Trong một tiếng rưỡi, ca sĩ phô diễn chất giọng Counter tenor hiếm có, qua loạt nhạc phẩm kinh điển của nhà soạn nhạc Italy - Vivaldi (1678-1741). Théo Imart có giọng phản nam cao, âm vực tương đương nữ, thường sử dụng kỹ thuật giả thanh để hát các kịch mục trước đây dành cho castrato (những cậu bé bị hoạn từ nhỏ trong thế kỷ 18 để có âm vực cao). Tuy nhiên, anh không lạm dụng kỹ thuật, mà thể hiện nhiều đoạn lên bổng xuống trầm tình cảm, với tổ khúc Bốn mùa của Vivaldi.
Tiết mục được khán giả cổ vũ nhiều nhất là La Vie En Rose - bản nhạc Pháp quen thuộc với người Việt, Édith Piaf sáng tác. Khác với phiên bản tràn ngập tinh thần vui tươi của Édith Piaf, phần trình diễn của Théo Imart ma mị, mang đậm dấu ấn của opera hơn. Khán giả Hải Anh, 34 tuổi, Hà Nội, nhận xét: "Nếu nhắm mắt lại, ta sẽ tưởng anh là một giọng nữ trong trẻo, nhưng khi nghe kỹ và cảm nhận, tôi thấy chất giọng của anh hòa quyện cả sự nội lực, nam tính".
Trên trang web cá nhân, Théo Imart giới thiệu học opera từ năm chín tuổi, sau đó học thanh nhạc tại trường Ecole Normale de Musique de Paris năm 2015, tốt nghiệp loại xuất sắc. Năm 2018, tại Liên hoan Opera Baugé, Théo Imart đảm nhận vai opera chính đầu tiên là Idamante trong vở Idomeneo của Mozart. Từ đó đến nay, nghệ sĩ nhiều lần hát chính cùng các dàn nhạc nổi tiếng thế giới tại các sự kiện lớn.
Gần nhất, tháng 5/2023, nghệ sĩ diễn vai Mark trong vở La vieille maison của Marcel Landowski. Anh cũng vào chung kết Cuộc thi giọng hát hay quốc tế Belvedere lần thứ 41, nhận giải đặc biệt từ Nhà hát Quốc gia Hà Lan. Anh được mời tham gia khai trương Nhà hát St Gallen (Thụy Sĩ), đóng cả vai nam và nữ trong vở Lili Elbe. Hè năm nay, anh sẽ trở lại Nhà hát St Gallen, biểu diễn vở Nữ hoàng cổ tích của Purcell.
Ngoài Théo Imart, các nghệ sĩ còn lại của Dàn nhạc Opera Hoàng gia Versailles chinh phục khán giả bằng tài năng, lối biểu diễn chuyên nghiệp, trong lần đầu đến Việt Nam. Nghệ sĩ violin Stefan Plewniak vừa chơi đàn, vừa chỉ huy dàn nhạc 16 người. Ông không cầm đũa như các nhạc trưởng khác mà dùng cây vĩ kéo làm hiệu lệnh.
So với nhiều buổi biểu diễn giao hưởng khác, dàn nhạc không quá đông, chủ yếu là các nghệ sĩ bộ gõ, bộ dây, nhưng vẫn mang đến không gian âm nhạc hàn lâm mẫu mực. Ngoài các âm thanh quen thuộc, người nghe còn được thưởng thức tiếng đàn luýt - nhạc cụ phổ biến trong thời kỳ âm nhạc Baroque (1600-1750).
Khán giả Hương Na, nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, cho biết khâm phục sự khổ luyện, nhiệt huyết của các đồng nghiệp trong buổi biểu diễn. "Nhạc trưởng Stefan Plewniak đã dẫn dắt dàn nhạc đi từ những âm thanh đẹp đẽ và giàu cảm xúc của các bản concerto (hòa tấu), đan xen những aria (khúc hát) tuyệt đẹp", bà Hương Na nói.
Hòa nhạc Bốn mùa (Four Seasons Concert) nằm trong chuỗi chương trình nhạc cổ điển, do lãnh đạo Nhà hát Hồ Gươm kết hợp Nhà hát Opera Hoàng gia Versailles (Pháp) xây dựng.
Opera Hoàng gia Versailles là một trong những dàn nhạc nổi tiếng ở châu Âu, tham gia trung bình hơn 100 buổi biểu diễn mỗi năm. Sở trường của họ là âm nhạc trường phái Baroque và lãng mạn.
Hà Thu