Việt Nam là một thị trường âm nhạc còn khá nhỏ, mặc dù trong thập niên 1990, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Bryan Adams, Michael Learns To Rock, Boney M, Air Supply, Sting hay The Moffatts từng chọn dừng chân tại đây trong tour diễn của họ tại châu Á. Nhưng xét cho cùng, con số các nghệ sĩ quốc tế tới Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay và trải dài qua nhiều năm.
Backstreet Boys biểu diễn tại Hà Nội và TP HCM vào tháng 3. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
Số lượng khán giả yêu thích nhạc quốc tế tại Việt Nam không phải là nhỏ, nhưng lâu nay họ chỉ có thể tiếp cận với các nghệ sĩ mình yêu mến qua băng, đài, hay Internet. Tuy nhiên, một năm qua, ngành công nghiệp tổ chức liveshow tại Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng kể khi đem tới cho khán giả cơ hội được thưởng thức gần 10 liveshow từ nhỏ tới lớn của nhiều nghệ sĩ quốc tế có lượng fan đông đảo tại Việt Nam.
Từ Backstreet Boys tới 2NE1
Những “lãng tử đường phố” tới từ nước Mỹ là những nghệ sĩ mở màn cho một năm sôi động các liveshow tại Việt Nam. Nằm trong tour diễn quảng bá album This Is Us, Backstreet Boys chọn Việt Nam là điểm đến cuối cùng và biểu diễn tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Mặc dù khâu tổ chức vẫn còn nhiều mặt hạn chế song hai buổi diễn của Backstreet Boys vẫn là một sự mở màn ngoạn mục cho năm bùng nổ của những liveshow nghệ sĩ nước ngoài.
Nửa tháng sau liveshow của Backstreet Boys, danh ca gạo cội Bob Dylan tới Việt Nam biểu diễn trong một buổi hòa nhạc có quy mô nhỏ ở Đại học RMIT TP HCM. Tới đầu mùa hè, hàng chục nghìn khán giả teen trên mọi miền đất nước đổ về sân Gò Đậu, Bình Dương để thưởng thức Super Show 3 của Super Junior - một trong những nhóm nhạc Hàn được yêu thích nhất hiện nay. Tiếp nối Super Junior, hai nhóm 2AM và JYJ cũng tới Việt Nam biểu diễn vào tháng 6 và khiến các fan nhạc Hàn tại dải đất hình chữ S ngất ngây.
Bob Dylan biểu diễn tại Đại học RMIT, TP HCM vào tháng 4. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
Sau ba nhóm nhạc Hàn, fan Việt lại đón liên tiếp ba thần tượng âm nhạc - David Cook (quán quân American Idol 2008), Alexandra Burke (quán quân The X Factor 2008) trong chương trình H-Artistry, và David Archuleta (á quân American Idol 2008) trong Idol Music Event (xem video). Cả hai chương trình này đều diễn ra vào mùa hè.
Tới mùa thu, người hâm mộ nhạc quốc tế tiếp tục bất ngờ khi sau hơn một thập kỷ chờ đợi, Westlife - một trong những boyband được mến mộ nhất thập niên 2000 - tới Việt Nam biểu diễn một đêm duy nhất tại Hà Nội tối 1/10. Cuối tháng 11, nhóm nhạc nữ hàng đầu của xứ sở kim chi 2NE1 khép lại hành trình liveshow của các sao ngoại tại Việt Nam trong năm 2011 bằng đêm nhạc thần tượng có tên Going Together Concert in Vietnam with 2NE1 (xem video).
2AM biểu diễn tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội hồi tháng 6. Ảnh: Hạ Huyền. |
Chất lượng các đêm diễn
Mỗi đêm diễn đều có quy mô tổ chức, đối tượng khán giả và chất lượng biểu diễn khác nhau. Tuy nhiên, các nhà sản xuất âm nhạc và nhà kinh doanh đã bắt đầu tích cực đem tới cho người hâm mộ nhạc trong nước cơ hội được tiếp cận với các liveshow đẳng cấp quốc tế, dù khâu tổ chức vẫn còn vô số hạn chế.
Đêm diễn Backstreet Boys thành công trong việc đưa khán giả trở về với kỷ niệm của những năm 1990 - khi nhóm nhạc này đang ở đỉnh cao phong độ. Chỉ cần những giai điệu quen thuộc như I Want It That Way, Shape of My Heart vang lên, hàng nghìn khán giả đã phải hát theo và xúc động khi được trở lại cảm giác của ngày xa xưa (xem video). Diễn ra vào cuối tháng 3 nhưng ngay từ gần hai tháng trước đó, kế hoạch quảng bá cho This Is Us tour tại Việt Nam đã khá rầm rộ.
Backstreet Boys không còn ở thời kỳ đỉnh cao, nhưng họ là lại những nghệ sĩ có lượng fan Việt rất đông đảo ở nhiều lứa tuổi nên việc tới biểu diễn tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM nhận được sự quan tâm rất lớn của giới truyền thông. Được quảng bá tốt nhưng chất lượng của hai đêm diễn lại gây ra nhiều tranh cãi.
Mặt hạn chế của This Is Us tour là sân khấu rất nhỏ, lại được đặt ở xa nên chỉ những khán giả nào may mắn kiếm được chỗ đẹp ở gần mới có thể cảm nhận được không khí. Còn lại đa phần khán giả ngồi xa thì tỏ ra thất vọng vì không tìm lại được hình ảnh của Backstreet Boys thủa nào. Việc các chàng trai đến từ Mỹ ít có sự giao lưu với khán giả trong mỗi phần biểu diễn mà chỉ hát liền tù tì cũng bị coi là điểm tạo nên khoảng cách xa giữa nghệ sĩ và khán giả.
Super Junior trên sân khấu Gò Đậu, Bình Dương vào tháng 5. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
Trong số các nghệ sĩ Hàn Quốc, thì liveshow Super Show 3 của Super Junior được đánh giá là hoành tráng nhất về khâu tổ chức và thỏa mãn được phần nào độ “cuồng” của các fan teen hay những ai mê nhạc Hàn (xem video). Buổi diễn của JYJ và chương trình của 2NE1 cũng tạo sự cuồng nhiệt cho khán giả trẻ, nhưng quy mô nhỏ hơn nên số lượng các fan có cơ hội thưởng thức cũng bị hạn chế đi nhiều. Gây thất vọng nhất là đêm diễn của 2AM tại Hà Nội vào tháng 6. Nếu không kể tới sự nhiệt tình của các fan thì với nhiều người, ấn tượng còn đọng lại của đêm diễn The TAL with 2AM là sự rời rạc, sân khấu giới hạn tầm nhìn của khán giả.
David Cook và Alexandra Burke trên sân khấu sân vận động Quần Ngựa, Hà Nội vào tháng 6. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hai đêm diễn H-Artistry và Idol Music Event thì gặp nhiều vấn đề về mặt âm thanh. Mặc dù các nghệ sĩ David Cook, Alexandra Burke và David Archuleta đã thể hiện hết mình, nhưng chất lượng âm thanh đã khiến cho những đêm diễn của họ không đem lại được cảm xúc trọn vẹn. Đáng tiếc nhất là buổi diễn của David Archuleta ở Hà Nội. Nụ cười, tài năng và sự thân thiện của “hoàng tử bé” đã chiếm trọn trái tim người hâm mộ, nhưng âm thanh và không gian biểu diễn hạn chế đã không thể “nâng tầm” chất lượng của đêm diễn lên tiêu chuẩn quốc tế.
David Archuleta biểu diễn tại Hà Nội và TP HCM vào tháng 7. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong số các liveshow của nghệ sĩ quốc tế tại Việt Nam năm qua, Gravity tour của Westlife được nhiều người đánh giá là chất lượng tốt hơn cả. Mặc dù đầu chương trình có chút trục trặc về âm thanh do điều kiện thời tiết, nhưng xét một cách tổng thể, đêm diễn của Westlife đã khắc phục được những hạn chế từ các liveshow của các nghệ sĩ khác trước đó. Bốn chàng trai Ireland đem tới nụ cười, những giọt nước mắt cho người hâm mộ qua các ca khúc quen thuộc và sự cởi mở, thân thiện. Nếu như các đêm diễn khác, khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả khá lớn thì trong đêm của Westlife, các fan có thể tiếp cận thần tượng một cách dễ dàng. Sân khấu được thiết kế với không gian mở nên giúp người xem dù ngồi trên khán đài vẫn có thể nhìn ngắm rất rõ bốn chàng trai. Đặc biệt, Westlife còn dành riêng My Love - ca khúc nổi tiếng nhất của họ - cho gần 10.000 fan Việt (xem video).
Bài học kinh doanh
Mặc dù số lượng người yêu nhạc quốc tế ở Việt Nam không nhỏ, nhưng “văn hóa mua vé” của người Việt vẫn chưa thực sự được phổ cập. “Đi xem các nghệ sĩ nước ngoài thì thích đấy, nhưng nếu được miễn phí hoặc mua rẻ thì còn thích hơn nữa” - rất nhiều người, đặc biệt là ở độ tuổi từ 18 đến 25 có suy nghĩ như vậy. Nhóm nhạc rock Linkin Park từng khảo sát thị trường Việt Nam khi có ý định lưu diễn tại đây vào tháng 9 năm nay. Với một nhóm nhạc đang ở thời kỳ đỉnh cao như Linkin Park thì “thương hiệu” của họ vẫn rất mạnh, và việc kinh doanh cũng quan trọng không kém. Chính vì vậy, họ đã không chọn Việt Nam làm điểm dừng chân, mặc dù số lượng fan của nhóm tại đây không phải là ít.
Tất cả liveshow nghệ sĩ nước ngoài tại Việt Nam trong năm qua, từ nhỏ tới lớn, đều lỗ vốn. Vé VIP đêm diễn Backstreet Boys từ 2 triệu đồng nhanh chóng xuống còn 100.000 đồng vào lúc sát giờ diễn. Đêm diễn của 2AM, David Archuleta tình trạng “phe vé” cũng hoành hành và càng tới sát giờ diễn, giá vé càng hạ xuống mức thấp nên rất nhiều người đã rình để mua vé vào thưởng thức một liveshow lớn với giá “chợ”.
Westlife "cháy" cùng fan trên sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội hồi đầu tháng 10. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đêm Gravity tour của Westlife hạn chế tới mức tối đa tình trạng phe vé bằng việc thắt chặt an ninh kiểm soát. Gần tới giờ diễn, giá vé không hề thay đổi so với mức ban đầu của nhà tổ chức. Tuy nhiên, đêm diễn thì vẫn… lỗ. Đại diện 2 công ty tổ chức, nhà sản xuất - MC Vũ Anh Tuấn đã từ chối tất cả những câu hỏi liên quan cụ thể đến tài chính, nhưng anh thừa nhận, thương vụ này không đem lại tiền bạc, mà cái được là một "cuộc chơi âm nhạc vì danh dự và cũng là để đặt nền tảng cho một hướng đi mới trong khâu tổ chức".
Nhiều khán giả cho rằng các nghệ sĩ nước ngoài được mời tới Việt Nam biểu diễn, một là “hết thời”, hai là “chưa nổi”. Nhưng có một câu hỏi chắc hẳn những người tổ chức cũng đã tính tới rằng nếu mời các ngôi sao đang nổi hiện nay như Katy Perry, Maroon 5, Jason Mraz thì liệu lượng khán giả tới xem có đông và phong phú lứa tuổi hơn các nghệ sĩ đã qua thời kỳ đỉnh cao nhưng danh tiếng vẫn còn sức ảnh hưởng lớn tại Việt Nam như Backstreet Boys hay Westlife hay không?
2NE1 khép lại chuỗi liveshow và concert của các nghệ sĩ nước ngoài tại Việt Nam năm qua. Ảnh: Ngọc Trần. |
Hai đêm diễn của Backstreet Boys và Westlife tại Việt Nam có số lượng khán giả đông nhất và thuộc nhiều lứa tuổi nhất, từ 7x, 8x cho tới 9x. Đêm diễn của các nhóm nhạc Hàn Quốc và ba thần tượng âm nhạc phần lớn quy tụ vào khán giả teen. Dự đêm diễn của Bob Dylan đa phần là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam hoặc các khán giả trung niên.
Một liveshow nghệ sĩ nước ngoài vừa đảm bảo được chất lượng quốc tế, vừa thỏa mãn và thu hút được khán giả, lại đem lại lợi nhuận kinh doanh cho nhà tổ chức dường như vẫn còn là giấc mơ xa vời khi thực hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, với những chương trình đã diễn ra trong năm, thị trường Việt Nam cũng đã có tên trong bản đồ âm nhạc thế giới. Dù lỗ nhiều hay lỗ ít, các nhà tổ chức cũng đã đạt được một điều ý nghĩa là giúp cho cho số đông khán giả yêu nhạc quốc tế tại Việt Nam thỏa mãn được phần nào "cơn khát" bao năm nay.
Nguyên Minh