Khi thực dân Pháp tấn công cửa ngõ Cần Giờ, chiếm thành Gia Định năm 1958, triều đình hòa nghị lần lượt để mất 3 tỉnh miền Đông, miền Tây, những cuộc nổi dậy của người dân lần lượt đi vào bế tắc. Trong bối cảnh mất nước, người dân bị đẩy đến tình trạng tha hóa, cùng cực, buộc lòng phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ ruộng đồng... Trên bước đường tha phương cầu thực, họ tham gia vào các hội kín để tiếp tục tôn chỉ "bài Tây - phục Nam". Bộ phim phác họa chân dung của những con người sống trong hoàn cảnh ấy.
![]() |
Hình ảnh đặc trưng của Nam bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. (Ảnh do TFS cung cấp) |
Dưới ngọn cờ của phong trào "Nam kỳ khởi nghĩa", ngay những con người ngang dọc trong giới giang hồ cũng không đành lòng làm ngơ trước nỗi đau của quê hương. Họ đứng lên, lấy tên nơi "chôn nhau cắt rốn" làm tên nghĩa binh, lấy anh em làm lực lượng, sát cánh cùng Việt Minh tham gia cuộc chiến đấu. Bộ đội Bình Xuyên của Dương Văn Dương, bộ đội Bà Quẹo của Mười Trí, bộ đội Phú Thọ của Bảy Viễn, bộ đội Chánh Hưng của Tám Mạnh, bộ đội Tân Thuận, Nhà Bè... nổi dậy trong khí thế sục sôi.
Chen lẫn hoàn cảnh loạn lạc, rối rắm của thời cuộc, phe phái, giữa đau thương mất mát, nổi lên hơn cả là tình cảm sâu nặng của đất và người Nam bộ. Ngoài nghĩa lớn vì nước, tình cảm đồng bào, tình đồng chí, tình yêu đôi lứa, như chất xúc tác nồng nàn, bền bỉ cho con người tham gia cuộc chiến. Đó là tình bạn keo sơn giữa Mười Trí và Bảy Viễn, 2 con người trái bản tính, trái hoàn cảnh xuất thân; tình cảm son sắt, thủy chung của Hai Ngạn khi quyết định hy sinh thân mình vì người yêu; hình ảnh can trường, của Tám Mạnh, Bảy Chơn, Ba Dương; sự đồng cảm, chung một tấm lòng vì nước của những người dân chân lấm tay bùn như mẹ Sáu Hạnh.
Hai đạo diễn Tường Phương - Phương Nam xây dựng lại lịch sử với những hình ảnh về sự ác nghiệt, hà khắc của cuộc chiến; sự chịu đựng mất mát của cả 2 bên tham gia, nhưng cũng không quên tôn vinh hình ảnh, tình cảm con người Nam bộ bằng những khuôn hình giản dị: gian bếp ấm nồng sẻ chia cùng con người lúc cô đơn, lạnh lẽo; khúc sông đỏ máu của người yêu nước không xuôi một dòng mà luôn cuộn chảy; những cánh rừng bạt ngàn lúc nào cũng dang tay che chở cho dân... Bộ phim vừa chân thực, vừa sinh động, lãng mạn là vậy.
Dưới cờ đại nghĩa cũng được nhiều người cao tuổi, là chứng nhân lịch sử, đánh giá khá cao về tính xác thực. "Cách sinh hoạt, lối sống, cư xử của người Nam bộ xưa, thậm chí từng khung cửa, gian nhà... trên phim đều rất thật", bác Ba Thời, một người dân 78 tuổi ở Đồng Tháp Mười, nói. Bác cũng nhận xét thêm, những chi tiết nhỏ như nhà xưa khóa cửa bằng một cây ngang; người nghèo ăn cơm với mắm, ngủ chõng tre, đắp đệm cói..., chỉ có người yêu và thấm đẫm chất Nam bộ mới có thể đưa lên phim một cách kỹ lưỡng như vậy.
Bộ phim lịch sử được chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyên Hùng, ngốn trọn thời gian 7 năm từ giai đoạn thai nghén đến thành hình. Tác phẩm được 2 đạo diễn coi như một món quà tâm quyết, bày tỏ tấm lòng của mình với con người Nam bộ hào hùng trong kháng chiến chống Pháp.
![]() |
Một khung hình đẹp về sông nước miền Tây. (TFS) |
Cũng chính tác phẩm này ghi những vai để đời cho Trung Dũng, Trương Minh Quốc Thái, Lý Thanh Thảo với đất diễn khá đa dạng. Không những hạnh phúc khi được hóa thân thành Bảy Viễn, Quốc Thái tâm sự rằng chính nhân vật này và 22 tháng phim bấm máy tại Đồng Tháp đã cho anh thêm tình yêu với con người Nam bộ. Còn Trung Dũng thổ lộ anh đã không ít lần bật khóc vì nhân vật Mười Trí, vì cả sự cảm động và những gian nan để hoàn thành vai diễn này. Lý Thanh Thảo coi Hai Ngạn như một cột mốc quan trọng trong nghiệp diễn của chị với mẫu hình phụ nữ chân quê, chịu thương, chịu khó.
Chỉ từ một tình bạn thân của Tường Phương, Phương Nam ban đầu, sau 22 tháng quay, không ít thành viên của đoàn phim Dưới cờ đại nghĩa đã coi nhau như người trong nhà. Bộ phim nổi tiếng vì tính gắn kết đến hơn 200 cá thể này cuối cùng cũng đã có được vinh quang kép: Giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam dành cho Phim truyền hình dài tập xuất sắc; được trình chiếu vào Giờ vàng của HTV7. Đài truyền hình Đồng Nai cũng quyết định mua bản quyền để phát sóng phục vụ các ngày lễ lớn.
Đỗ Duy