Lớn lên trong một gia đình mẹ đơn thân, Jonathan Sanchez được dạy luôn phải tiết kiệm. Thói quen đó đã ảnh hưởng đến tư duy tài chính của người đàn ông này. Năm ngoái, ở tuổi 37, tổng tài sản của gia đình Jonathan Sanchez đã đạt một triệu USD (khoảng 23,5 tỷ đồng), sau nhiều năm tiết kiệm, làm thêm và đầu tư.
Dưới đây là năm bài học tài chính mà Jonathan Sanchez dạy con, được đăng tải trên trang CNBC (Mỹ):
Luôn cân nhắc kỹ việc chi tiêu
Chúng tôi luôn sống tiết kiệm trong mức thu nhập của mình. Do vậy, kể cả khi kiếm được nhiều tiền, chúng tôi không tiêu hơn mức thực sự cần. Điều này không đồng nghĩa với việc chúng tôi không biết tận hưởng thành quả lao động của mình, nhưng trước khi mua một món đồ mới, chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ.
Trước khi con tôi muốn mua đồ chơi, tôi sẽ đặt cho con ba câu hỏi: "Con thực sự cần món đồ này không?", "Con có nghĩ mình sẽ sử dụng món đồ này thường xuyên trong tương lai không?", "Liệu có một món đồ nào tương tự với giá cả hợp lý hơn không?".
Thay vì cấm con chi tiêu, chúng tôi muốn hướng dẫn con tự suy nghĩ và đưa ra những quyết định hợp lý, nhằm tối ưu giá trị các con nhận được trong mỗi khoản chi.
Tiết kiệm đem lại tự do
Nhiều người cho rằng việc tiết kiệm sẽ giới hạn tự do tài chính. Ngược lại, tôi lại nhìn việc tiết kiệm như một công cụ đem lại tự do tài chính về lâu dài. Thay vì chi tiêu quá đà, tôi có thể tiết kiệm, từ từ tạo ra một nguồn tài chính vững mạnh để giúp tôi có kinh tế tốt hơn trong tương lai.
Khi con tôi muốn mua sách trong ngày hội ở trường, vợ chồng tôi cho con khoảng 40 USD (gần một triệu đồng) - số tiền đủ để con lựa chọn một vài tựa sách. Việc mua sách nào sẽ giúp con học cách tối ưu ngân sách.
Ngoài ra, tiết kiệm không có nghĩa một năm hay 10 năm vẫn chi tiêu một mức như nhau. Chúng tôi sẽ điều chính mức chi dựa trên thu nhập hàng tháng.
Đừng để mạng xã hội ảnh hưởng đến việc mua sắm
Mạng xã hội có ảnh hưởng nhiều đến quyết định mua sắm của phần lớn mọi người. Khi thấy ai đó đăng ảnh du lịch hay mua một chiếc ôtô đắt tiền, chúng ta bị ảnh hưởng về mặt tư duy, dần cảm thấy bản thân phải có những món đồ hay những trải nghiệm giống người khác trên mạng xã hội.
Chúng tôi cố gắng dạy con điều này đầu tiên bằng cách kiểm soát thời gian con sử dụng mạng xã hội. Chúng tôi chỉ cho con sử dụng các thiết bị điện tử vào cuối tuần, mỗi lần khoảng hai tiếng. Vợ chồng tôi cũng cố gắng làm mẫu cho con bằng cách hạn chế sử dụng điện thoại, đặc biệt là trước mặt con và khi dành thời gian với gia đình.
Hiểu thu nhập và chi tiêu
Chúng tôi cố gắng sử dụng ngôn ngữ phù hợp nhất, cũng như các công cụ và ví dụ thực tế để dạy con cái về các chủ đề tài chính, đặc biệt là về thu nhập và chi tiêu.
Ví dụ, vợ chồng tôi đều làm trong lĩnh vực bất động sản, chúng tôi thường xuyên dẫn con đến nơi làm việc, giới thiệu con với các đối tác và nhà thầu, từ đó giúp con hiểu rõ hơn về công việc và thu nhập của gia đình.
Chúng tôi cũng dùng những công cụ minh họa để con hiểu các kiến thức tài chính dễ dàng hơn, như minh họa cách dòng tiền luân chuyển giữa người gửi tiền, ngân hàng, người vay tiền, người thuê nhà, hay người cho thuê nhà.
Tiết kiệm sớm và không kỳ vọng giàu nhanh chóng
Tôi thường xuyên kể cho con câu chuyện về rùa và thỏ để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiên trì, chậm rãi và ổn định để đạt được kết quả lâu dài.
Tiết kiệm cũng là một hành trình lâu dài. Mỗi khi con tôi nhận được tiền từ họ hàng, chúng tôi giúp con gửi số tiền này vào tài khoản ngân hàng của con. "Những món quà bằng tiền mà con nhận được, bố mẹ sẽ dành dụm và đầu tư cho con. Khoản tiền này sẽ tăng trưởng theo thời gian. Khi con lớn lên, con sẽ có một khoản tiết kiệm tương đối để sử dụng cho các mục tiêu cá nhân", tôi nói.
Trong một thế giới đề cao sự thỏa mãn ngay lập tức, chúng ta cần phải dạy thế hệ tương lai về giá trị của sự kiên nhẫn và việc bắt đầu sớm trên bất kỳ hành trình nào.
Phan Nghĩa (Theo CNBC)