Hạn chế sự quyết liệt. Tinh thần thi đấu mà các học trò của HLV Miura mang vào và duy trì trong suốt 90 phút thực sự đáng ngợi khen. Chỉ có điều, tính chính xác không cao trong những pha tranh chấp quyết liệt đã vô tình tạo ra những tình huống ngoài mức cần thiết, điển hình là những pha vào bóng theo kiểu kung-fu của Trọng Hoàng, Minh Châu hay Khánh Lâm. Nếu trọng tài nặng tay hơn, những gì mà các cầu thủ của Việt Nam phải nhận sẽ không chỉ là năm thẻ vàng (hai thẻ dành cho Minh Châu, trong khi Ngọc Hải, Trọng Hoàng và Huy Cường mỗi người một thẻ).
Rõ ràng, nguy cơ chấn thương hay thẻ phạt luôn hiện hữu với cách phòng ngự theo kiểu lăn xả như vậy. HLV Miura cần tìm cho các học trò một phương pháp khác, vừa đảm bảo tính hiệu quả, vừa tránh cho đội tuyển gặp phải những tình huống éo le như khi Minh Châu phải nhận thẻ vàng thứ hai rời sân ở nửa cuối hiệp hai.
Hàng hậu vệ nhiều sơ hở. HLV Miura chủ trương đá phòng thủ chắc chắn, nhưng chính tuyến phòng ngự đã bộc lộ những điểm yếu chết người khi phải đối đầu với hàng tấn công của Thái Lan vốn quy tụ những cái tên hàng đầu khu vực Đông Nam Á hiện nay. Trong suốt hiệp đấu đầu tiên, nhiều thời điểm có đủ cả mười một cầu thủ bên phần sân nhà nhưng tuyển Việt Nam vẫn phòng ngự bị động.
Hai trung vệ thiếu sự bọc lót, phối hợp bắt người không ăn ý, trong khi hai hậu vệ biên là Thanh Hiền và Minh Tùng thường xuyên mắc lỗi vị trí, để lộ ra những khoảng trống mênh mông ở hai cánh và làm cho bẫy việt vị bị vô hiệu hóa. Nếu các chân sút của Thái Lan quyết đoán hơn, trận này tuyển Việt Nam đã không chỉ nhận một bàn thua. Ở trận lượt về, việc tạo lập hai hàng ngang phòng ngự lùi sâu với cự ly gần nhau để bịt kín những khoảng trống có thể là giải pháp để khắc phục điểm yếu này.
Thiếu một nhạc trưởng dẫn dắt đội bóng. Tuyến tiền vệ của đội tuyển Việt Nam có thừa cơ bắp với sự hiện diện của Khánh Lâm và Minh Châu. Tuy nhiên hai cầu thủ này lại không thể đóng vai nhạc trưởng đích thực trên sân. Trong thế trận phòng ngự phản công, đội tuyển Việt Nam thiếu đi một cầu thủ có khả năng giữ nhịp trận đấu và tung ra những đường phản công sắc sảo. Tuyến dưới khi có bóng chỉ có thể phá đi thật xa hoặc phất dài cho các tiền đạo tùy cơ ứng biến.
Tìm kiếm một “ông chủ” đích thực ở khu trung tuyến vẫn là một bài toán nan giải đối với HLV Miura, trong bối cảnh chấn thương liên tiếp lấy đi những con bài như Hoàng Thịnh, Minh Tuấn, Văn Quyết hoặc thậm chí là Tuấn Anh, Xuân Trường...
Thiếu bài bản tấn công sắc nét. Nếu nhìn một cách tổng thể thì ở trận đấu này, tuyển Việt Nam mới thực hiện vế đầu, tức “phòng ngự”. Còn đối với vế “phản công” thì theo cựu danh thủ Nguyễn Hữu Thắng, tuyển Việt Nam chưa hề có bài miếng để phản đòn. Các cầu thủ chưa thể tạo nên áp lực khiến đối phương phải dè chừng. Đồng thời cách đá này cũng đặt toàn đội vào thế khó bởi sự nửa vời giữa hai lựa chọn: tiếp tục lùi sâu hay dâng cao đội hình.
Một trong những cầu thủ gây khá nhiều thất vọng ở trận đấu vừa qua là Công Vinh. Anh rất chịu khó lùi sâu hỗ trợ phòng ngự, nhưng điều đó hoàn toàn là chưa đủ đối với một cầu thủ lãnh trách nhiệm lĩnh xướng hàng tấn công. Dấu hiệu tuổi tác đang ngày càng đè nặng lên vai Công Vinh và nó khiến anh thường tỏ ra đuối sức hay chuyền sai trong những tình huống phản công nhanh.
Có lẽ, đã đến lúc HLV Miura cần mạnh dạn trao niềm tin cho một cầu thủ khác trẻ trung, nhanh nhẹn, nhiệt huyết và có khả năng tạo đột biến hơn. Mạc Hồng Quân không phải là sự lựa chọn tồi.
Giữ vững sự nhiệt huyết. Tinh thần quả cảm của các cầu thủ chính là điểm sáng lớn nhất của tuyển Việt Nam trong trận đấu vừa qua. Hình ảnh lăn xả của Minh Châu, Trọng Hoàng hay Ngọc Hải gợi nhớ về tinh thần “fighting” (chiến đấu) từng là triết lý, là phương châm thi đấu của đội tuyển dưới thời HLV Henrique Calisto - người giúp tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2008.
HLV Miura đã rất thành công khi truyền cho các học trò tinh thần thi đấu máu lửa. Đó là thành công bước đầu. Giá trị của tinh thần ấy sẽ được phát huy trọn vẹn nếu như ý chí sắt đá của các cầu thủ được dẫn đường và soi sáng bởi một cái đầu lạnh lùng và khôn ngoan.
Anh Dũng