Tiến sĩ Nguyễn Đình Khoa, Trưởng Khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân đến Việt Nam điều trị trong tình trạng sốt dai dẳng kéo dài, rụng tóc, đau mỏi khớp không rõ nguyên nhân, nổi ban da đỏ.
Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân suy tim, viêm cơ tim, đồng thời có bệnh cảnh nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân cần được phẫu thuật tim sớm, song do tình trạng suy giảm miễn dịch nặng trên nền bệnh lupus, ca mổ không thể tiến hành ngay.
Bác sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng Khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim cho biết bệnh nhân được hội chẩn các chuyên khoa, phải sử dụng kháng sinh mạnh và kháng nấm, corticoid và truyền Imunoglobuline để tăng sức đề kháng, nâng đỡ tổng trạng. Khi bệnh nhân đủ sức cho ca phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành mổ thay van động mạch chủ, cắm lại 2 lỗ vành Bentall.
"Cơ tim bệnh nhân đã phù rất nhiều, nếu không hồi sức sau mổ bằng hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO sẽ khó qua khỏi", bác sĩ Thái An phân tích. Sau 7 ngày chạy ECMO và hậu phẫu tích cực, bệnh nhân dần hồi phục, chức năng các cơ quan cải thiện. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống tốt, sinh hiệu ổn định và được tiếp tục theo dõi điều trị bệnh lupus.
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn, cơ thể tự sản xuất ra kháng thể chống lại chính bản thân mình. Bệnh thường gặp ở nữ, nhiều gấp 9 lần nam, chủ yếu 20 đến 30 tuổi. Biểu hiện lâm sàng thường rất đa dạng, các triệu chứng ở nhiều cơ quan, thường gặp là sốt, đau khớp, nổi ban ở da, phù, da xanh xao thiếu máu, rụng tóc, có khi khó thở, đau ngực. Các triệu chứng thường mơ hồ và giống với nhiều bệnh lý khác nên bệnh nhân khi khởi phát bệnh thường đi khám ở nhiều chuyên khoa. Nhiều người mất vài năm mới xác định được bệnh.
Bệnh gây tổn thương hầu hết hệ cơ quan cơ thể, trường hợp nặng đe dọa tính mạng. Những tổn thương ở các nội tạng thường gặp là tràn dịch màng tim, viêm cơ tim, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, viêm cầu thận, tác động lên hệ thần kinh gây co giật, rối loạn tâm thần, ở hệ tạo máu gây thiếu máu, xuất huyết... Bệnh chưa thể điều trị dứt điểm mà chỉ có thể kiểm soát để hạn chế tái phát. Nếu khống chế bệnh tốt, bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt bình thường.