Nghị quyết về dân số vừa được Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua đặt mục tiêu tăng trưởng thêm 4 cm chiều cao người dân, tính đến năm 2030.
Hiện nay chiều cao của đàn ông Việt 164,4 cm và nữ 153,4 cm. Ở các thành phố lớn, nam giới cao 167,4 cm và nữ 154,7 cm. Người ở vùng nông thôn có chiều cao thấp hơn, với nam 164,1 cm và nữ 153,2 cm. Trong khu vực châu Á thì chiều cao của thanh niên Việt Nam ngang với Indonesia, Philippines nhưng thấp hơn so Singapore, Nhật, Thái Lan và Malaysia. Thanh niên các nước châu Âu, Mỹ và Australia cao hơn nhiều so với các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trong hơn 10 năm qua, chiều cao của đàn ông Việt chỉ tăng 2,1 cm, còn nữ cao thêm một cm. Từ năm 1975 đến 2000, chiều cao người dân tăng chậm, trung bình thêm 1,1 cm mỗi thập kỷ; trong khi suốt thời gian dài trước đó chỉ số chiều cao này hầu như không thay đổi.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tăng trưởng chiều cao của người Việt chậm hơn các nước. Ví dụ Nhật Bản có giai đoạn trong vòng 15 năm, chiều cao của thanh thiếu niên tăng thêm 2,8 cm (đối với nam) và 2,5 cm đối với nữ.
Năm 2011, Việt Nam đã có đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Đề án xây dựng các chỉ số sinh học và tiêu chí, tiêu chuẩn phát triển thể lực, tầm vóc. Đề án này cũng đề xuất khả năng can thiệp cải thiện thể lực, tầm vóc như đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi; phát triển thể lực, tầm vóc bằng cách tăng giáo dục thể chất đối với học sinh 3-18 tuổi…
Kinh phí của đề án được phê duyệt khoảng 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện đề án này vẫn trong tình trạng “bất động” do thiếu kinh phí.
Năm 2016 Chính phủ cũng phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Hàng triệu trẻ em tại nhiều tỉnh thành đã được uống sữa miễn phí.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để cải thiện chiều cao của người Việt, điều quan trọng là cần có can thiệp dinh dưỡng hợp lý theo chu kỳ vòng đời. Cụ thể, khi mang thai, người mẹ cần được bổ sung đủ chất, đủ dinh dưỡng, đa dạng để không sinh ra trẻ nhẹ cân, thấp còi. Tiếp theo là nuôi dưỡng trẻ thật tốt trong ba năm đầu đời, trẻ được bú sữa mẹ sớm và hoàn toàn trong sáu tháng đầu, chế độ dinh dưỡng hợp lý, ít mắc bệnh...