Trưa nay, sau một tháng làm việc, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13 đã bế mạc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho hay, tại kỳ họp này đại biểu đã dành thời gian phân tích, đánh giá một cách sâu sắc thực trạng tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhận thấy, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các ngành đã nỗ lực phấn đấu, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
![]() |
Kỳ họp thứ tư Quốc hội đã bế mạc sáng nay. Ảnh: Hoàng Hà. |
Năm 2013 là thời điểm giao thời của giai đoạn phát triển mới, đặt ra nhiều yêu cầu mới trong phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Quốc hội xác định nhiệm vụ tổng quát là phải tiếp tục phấn đấu ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm lạm phát thấp hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; tạo nền tảng phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Theo ông Hùng, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thông qua 9 dự án luật quan trọng, được xem xét thận trọng, với tinh thần đổi mới, bảo đảm sát với thực tiễn cuộc sống. Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng, và xác định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn lâu dài, nhiều khó khăn phức tạp. Chính phủ và các ngành hữu quan cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đưa ra các giải pháp khả thi, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung toàn diện luật.
Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Luật đất đai (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, tác động trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội, sự ổn định, phát triển của đất nước, đời sống của nhân dân và có nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm. Vì vậy, sau kỳ họp, cần tập trung hoàn thiện dự thảo luật, lấy ý kiến rộng rãi của các ngành, các cấp, nhân dân và các doanh nghiệp; nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sau.
Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến về các nội dung sửa đổi và ban hành Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng nhằm bảo đảm cơ sở chính trị - pháp lý cho thời kỳ phát triển mới của đất nước. Do đó, cần tổ chức thật tốt việc lấy ý kiến nhân dân để chắt lọc cho được tinh hoa trí tuệ, ý chí của toàn dân, chuẩn bị tích cực để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua văn kiện quan trọng này vào kỳ họp cuối năm 2013.
Đặc biệt, Quốc hội đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ quan trọng nhất của Nhà nước các cấp được Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Các ngành, các cấp, đại biểu Quốc hội và HĐND cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm trước nhân dân, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện việc đánh giá tín nhiệm một cách chính xác từ kỳ họp đầu năm 2013.
Theo Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, người dân có thể góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức; Tổ chức thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; Thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội và các phương tiện thông tin đại chúng. Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ 2/1/2013 đến 31/3/2013. Quốc hội kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng bản Hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. |
Tiến Dũng