Cơn bão giá đang làm nhiều sinh viên khốn đốn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tại hội nghị giao ban lần hai khối các trường ĐH, CĐ, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, những trường có chương trình đào tạo chất lượng cao hơn mức bình quân cả nước sẽ được phép thu học phí cao hơn. Mức học phí có thể trong khung hay ngoài khung nhưng phải đảm bảo chi phí tương xứng chất lượng.
Theo phương án của Bộ GD&ĐT, học phí khối phổ thông đóng góp vào chi phí đào tạo khoảng 5-6%, 95% kinh phí còn lại do Nhà nước hỗ trợ. Khoản đóng góp này theo khả năng thu nhập của các gia đình nên không gây quá tải cũng như khó khăn. Thậm chí, có những tỉnh miền núi, xa xôi... học sinh được miễn học phí hoàn toàn.
"Khối đại học, cao đẳng sẽ tăng dần học phí, tiến tới đảm bảo bù đắp gần đủ chi phí thường xuyên. Tiến tới không phải ngay lập tức năm sau bù đắp nhưng ít nhất đến 2010 phải bù đắp được chi phí thường xuyên", người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh.
Trước đó, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng nói, sau khi thực hiện việc cho sinh viên vay tiền để học, sẽ tính đến việc tăng học phí. Để đảm bảo chi thường xuyên, học phí không thể là 200.000 đồng một tháng mà phải là 400.000 đồng.
Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục, do giá cả các mặt hàng biến động nên sắp tới có thể tăng vốn vay cho sinh viên lên 1 triệu đồng, thay vì mức 800.000 đồng mỗi tháng như hiện nay.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, đến ngày 15/4, tổng dư nợ cho học sinh, sinh viên vay đạt hơn 4.700 tỷ đồng. Trước đó, đến ngày 10/3, con số này là 3.700 tỷ đồng. Hơn 450.000 sinh viên và 220.000 học sinh được vay vốn để giải quyết một phần khó khăn trong học tập.
Để giảm bớt khó khăn trong việc vay vốn, Bộ đang hoàn thiện quy trình, đơn giản hóa thủ tục xác nhận vay vốn cũng như bổ sung các chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm.
Tiến Dũng