Từ những phiên họp đầu tiên của khóa X, đã có kiến nghị cần sớm ban hành luật làm cơ sở để Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cáo với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Đây là một trong ba chức năng của cơ quan quyền lực tối cao, được quy định tại Điều 83 Hiến pháp 1992. Thời gian sau đó, chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội được triển khai: Tăng số đại biểu chuyên trách cho Quốc hội khóa XI, sửa đổi một loạt luật và quy chế liên quan đến hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất, ban hành Luật Ngân sách mới, trao quyền quyết định và giám sát thực hiện ngân sách cho Quốc hội... Vấn đề ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội cũng được đặt ra, và tới kỳ họp này, bản dự thảo đầu tiên được gửi tới Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến.
Một vấn đề quan trọng mà nhiều đại biểu băn khoăn là dự thảo chưa trả lời được: Bản chất pháp lý của hoạt động giám sát của Quốc hội là gì, khác với giám sát của Mặt trận Tổ quốc, hoạt động thanh kiểm tra... chỗ nào? Hậu quả pháp lý của giám sát ra sao? Đại biểu Nguyễn Đức Chính (TP HCM) nói: “Làm rõ được điều này thì mới sáng tỏ nội dung hoạt động giám sát của Quốc hội”.
Theo tiến sĩ luật học Trần Ngọc Đường, đại biểu tỉnh Kiên Giang, Quốc hội chỉ giám sát tối cao, nên đối tượng bị giám sát chính là người và tổ chức do Quốc hội bầu, phê chuẩn, thành lập. Ông nhận xét: “Chỉ có các cơ quan ở cấp cao nhất là chưa bị ai giám sát. Còn cấp dưới thì hoặc chịu sự quản lý theo chiều dọc của cấp trên, hoặc chịu sự quản lý về chuyên môn theo chiều ngang của các cơ quan chức năng”. Theo ông, có 3 hình thức giám sát: Chất vấn, nghe báo cáo, tổ chức hoạt động giám sát theo đoàn đại biểu. Và kết quả pháp lý của giám sát tối cao là các nghị quyết của Quốc hội về những vấn đề quan trọng, ở tầm vĩ mô và ban hành, sửa luật.
Nhưng theo đại biểu Lê Thị Nga, Phó chánh án TAND thành phố Thanh Hóa, đại biểu giám sát dưới 4 hình thức: Chất vấn các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn; tiếp xúc cử tri; đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu cố của công dân; và tham dự kỳ họp của HĐND nơi mình được bầu. Hiệu quả pháp lý của việc giám sát: Đưa vấn đề mà đại biểu chưa đồng ý với câu trả lời chất vấn ra thảo luận trước Quốc hội; kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm; yêu cầu tổ chức, cá nhân thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi trái pháp luật; đề nghị Quốc hội đình chỉ hoặc huỷ bỏ văn bản pháp luật của chủ thể bị giám sát, đình chỉ hoặc bãi bỏ nghị quyết sai trái của HĐND cấp tỉnh.
Còn theo đại biểu Hoàng Thanh Phú, Thái Nguyên, giám sát của Quốc hội tập trung vào 6 vấn đề: Giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước trung ương; giám sát chấp hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát hoạt động của HĐND cấp tỉnh; giám sát việc giải quyết đơn thứ khiếu tố; giám sát hoạt động của người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn; và giám sát hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội. Về phương thức giám sát, theo ông Phú, Quốc hội thực hiện quyền năng của mình thông qua đại biểu, qua kỳ họp, và qua các cơ quan của Quốc hội. Cụ thể, đại biểu giám sát trên cơ sở tiếp xúc cử tri và thông qua hoạt động tại kỳ họp; cơ quan của Quốc hội giám sát theo chuyên đề.
Một vấn đề gây tranh cãi là theo dự thảo, đoàn đại biểu tại 61 tỉnh, thành phố không phải là chủ thể có quyền giám sát độc lập. Bà Nga nhận xét, nếu thừa nhận quyền giám sát của đối tượng này thì sẽ vi hiến, bởi Hiến pháp không coi đoàn đại biểu là cơ quan của Quốc hội. Nhưng thực tế lâu nay, trong nhận thức của cử tri, đoàn là một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của Quốc hội. Hoạt động của đoàn gắn với đơn vị bầu cử nên sâu sát với tình hình địa phương, và những yêu cầu, kiến nghị mang danh đoàn có hiệu lực hơn hẳn với kiến nghị riêng rẽ của từng đại biểu. Do đó theo đại biểu này, cần ghi nhận việc giám sát của đoàn đại biểu là một hình thức giám sát tập thể ở đơn vị bầu cử.
Trong hai buổi thảo luận về dự luật này (chiều qua và sáng nay), 26 đại biểu đã nêu ý kiến. Phó chủ tịch Nguyễn Văn Yểu đề nghị Quốc hội gắng sức suy nghĩ, gửi ý kiến về đoàn thư ký để tập hợp lên ban soạn thảo. Ông cho biết, để nâng cao năng lực hoạt động của Quốc hội, kỳ họp đầu năm 2003 sẽ cố gắng ban hành luật giám sát. Quá trình áp dụng sau đó, phát sinh vấn đề gì sẽ điều chỉnh tiếp. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội sẽ là cơ sở quan trọng để cuối năm 2003 Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật Tổ chức hội đồng nhân dân. Trong luật này sẽ có các quy định về quyền giám sát của cơ quan dân cử ở địa phương.
Nghĩa Nhân