Thanh Huyền -
Cách đây 10 năm, tôi viết Sir Vidia’s Shadow, miêu tả V.S. Naipaul như một kẻ cáu gắt, bủn xỉn, hay nóng giận và ám ảnh bởi sự phân biệt chủng tộc. Từ đó đến nay, ông ta vẫn là ứng viên xuất sắc cho các lớp học về kìm chế cơn giận, rèn luyện sự tế nhị, hướng dẫn về cuộc sống hôn nhân... những thứ mà ông ta không mảy may có lấy một chút.
Bây giờ, Patrick French là tác giả được trao quyền viết cuốn tiểu sử chính thức về người đàn ông này - The World Is What It Is - một cuốn sách đề cập đến tất cả những điều tôi vừa nói; cuốn sách khiến tôi cảm thấy, những gì tôi biết về sự rùng rợn của Naipaul chỉ chưa đến một nửa.
Tôi đã rất muốn viết về cách đối xử thô bạo của Naipaul đối với vợ, sự độc đoán điên cuồng với các tình nhân, chứng trầm cảm và sự tự huyễn hoặc mình như một nhà văn viết bằng tiếng Anh vĩ đại nhất... "Tôi là một người đàn ông kiểu mới, cũng như Montaigne là một người đàn ông kiểu mới", Naipaul có lần đã nói với tôi như vậy. Nhưng liệu Montaigne có qua lại với gái điếm thường xuyên, có sỉ nhục hầu bàn và đánh tình nhân như thế không?
Nhà văn V.S. Naipaul. |
Khi cuốn sách của tôi xuất hiện, độc giả đã la ó cho sự "to gan" của tôi. Họ gọi đó là "chân dung không trung thực", còn tôi là kẻ "phản bội", "kẻ ghen ăn tức ở" đã dùng văn chương để bôi nhọ bạn bè. Chỉ vài tuần sau khi sách của tôi ra, một tờ báo nhận xét, đây là "sự xúc phạm với nhà văn" vì tôi dám gọi Naipaul là "kẻ tự cao tự đại quái dị".
Nhưng nay thì cuốn tiểu sử của French đã chứng minh một cách dư dả những điều tôi viết. Nó không phải là câu chuyện hay ho gì, thậm chí nó sẽ hủy hoại danh tiếng của Naipaul mãi mãi. Sách đề cập đến thói tự phụ, căn tính lái buôn, sự ngược đãi với người vợ đau ốm, sự ruồng bỏ nhân tình, sự thoái thác trách nhiệm làm chồng, sự bủn xỉn và thói quen ác dâm của nhà văn danh tiếng. Sách của French không chỉ là một tiểu sử văn học, nó mang dáng dấp của khảo cứu về một trường hợp narcissism (hội chứng tự yêu mình).
Thông thường, tiểu sử về một nhà văn sẽ cung cấp cho độc giả thông tin về những tác giả, những cuốn sách mà nhà văn đó chịu ảnh hưởng. Với Naipaul, chúng ta có gì nào? Seepersad - bố của Naipaul - là nhà văn ông yêu thích nhất. Ông mê một vài cuốn của Joseph Conrad và Flaubert. Ông phủ nhận sạch trơn hoặc thẳng thừng tỏ ý chê bai, khinh miệt các tác giả khác như: James Joyce, Dickens, E.M. Forster, Maugham, Keynes, Jane Austen, Anthony Powell, Derek Walcott và rất nhiều người nữa, trong đó có tôi. Tôi được đánh giá là tác giả "thường thường bậc trung", người viết "những cuốn sách du lịch dành cho tầng lớp hạ lưu", là kẻ vớ vẩn "như một nhà sư phạm ở châu Phi quen giảng bài cho những kẻ da đen". Rõ ràng, tôi không thể nào tha thứ cho ông ta được.
Naipaul và người vợ thứ hai khi nhận giải Nobel. |
Dường như Naipaul thờ ơ trước những gì French viết về ông. Có lẽ vì hai vợ chồng ông chưa đọc chăng? (French có nói rằng, bà Naipaul hiện tại mắc chứng khó đọc). Hoặc French đã được Naipaul cho phép bóc trần mọi chi tiết thực của cuộc đời mình. Naipaul chỉ việc quay lưng với mọi thứ, như ông vẫn thường ngồi quay lưng với dư luận rất nhiều lần trong đời.
Tất cả những gì French viết đều có cứ liệu tỉ mỉ. Naipaul chỉ mới 75, nên một số giáo viên, bạn học, kẻ thù và người quen biết của ông vẫn còn sống. Một thày giáo của Naipaul ở Oxford cho biết: "Anh ta muốn trở thành một người Anh". Nhiều bạn bè, người quen của Naipaul kêu lêu "Anh ta lợi dụng chúng tôi". Rất nhiều biên tập viên các nhà xuất bản cũng từng là nạn nhân của thói cuồng nộ của Naipaul.
Với những người đầu tiên quen Naipaul ở Anh hoặc Ấn Độ, Naupail là một kẻ kỳ cục, khắt khe, buồn vui thất thường, kéo cú... Còn những người Tây Ấn nhận xét, nhà văn là hình ảnh tiêu biểu cho thói ác mồm ác miệng của người Trinidad.
Gia đình Naipaul mang sẵn thái độ phân biệt chủng tộc. Mẹ của nhà văn từng căn dặn: "Có một điều mẹ xin con đừng làm, đừng bao giờ cưới một cô gái da trắng". Tuy nhiên, ông vẫn kết hôn với Patricia Hale - một cô gái sinh ra trong gia đình thấp kém ở Birmingham. Bà trở thành thư ký, đầu bếp, người lao dịch tại nhà của ông.
Sau nhiều năm tìm đến gái điếm để giải quyết nhu cầu riêng tư của bản thân, bước ngoặt cuộc đời Naipaul diễn ra năm 1972, khi ông gặp Margaret tại Buenos Aires. Họ yêu nhau cuồng nhiệt. Margaret coi Naipaul là ông chủ của mình, coi dương vật của ông như Chúa trời, sẵn sàng hạ mình để tôn thờ nó.
Sau thời mặn nồng, Naipaul thường xuyên bực mình với Margaret. Ông đánh đập cô rồi sau đó giải thích: "Tôi hơi vũ phu với cô ấy suốt hai ngày nay. Tay tôi bắt đầu đau. Margaret chả than phiền gì cả. Cô ấy nghĩ, tôi làm như thế là vì sự đam mê nóng bỏng với cô ấy. Mặt cô ấy trông rất tệ. Cô ấy không dám ra ngoài. Còn tay tôi thì sưng phồng lên".
Khi quan hệ với Margaret, Naipaul kể hết cho vợ nghe, thậm chí còn cho bà xem những bức ảnh thân mật giữa hai người. Bà rất đau khổ nhưng vẫn chấp nhận sống bên ông. Ông nhờ bà đảm nhận những công việc liên quan đến chuyện đọc và góp ý cho tác phẩm của mình. Trong những cuốn sách đó có nhiều đoạn miêu tả cảnh bạo dâm - dựa trên những trải nghiệm của chính ông và Margaret.
Nhưng kết cục chưa dừng lại ở đó. Thất vọng với Margaret, bực tức với căn bệnh ung thư của Pat, ông gặp gỡ một người phụ nữ Pakistan ở Lahore và vội vã ngỏ lời: "Em có muốn một ngày nào đó trở thành bà Naipaul không?".
6 ngày sau khi vợ qua đời, người phụ nữ Pakistan bước vào nhà Naipaul với tư cách là cô dâu mới của ông.
Thanh Huyền dịch
(Nguồn: TOL)