"Chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để loại bỏ khả năng Nga sử dụng năng lượng như một công cụ quyền lực. Sự kiện này đánh dấu một bước đi quan trọng về địa chính trị, hướng tới mục tiêu thoát phụ thuộc năng lượng Nga của châu Âu", Bộ trưởng Năng lượng Na Uy Tejie Aasland phát biểu tại lễ khánh thành đường ống Baltic Pipe ngày 27/9 ở Budno, tây bắc Ba Lan.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng Baltic Pipe là giấc mơ của người Ba Lan trong nhiều thập kỷ, trong khi Thủ tướng Mateusz Morawiecki nói "kỷ nguyên thống trị về khí đốt của Nga đang kết thúc". "Tôi tự hào về sự hợp tác chặt chẽ giữa Ba Lan và Đan Mạch trong dự án này", ông nói.
Baltic Pipe là dự án được thành lập với sự hợp tác giữa nhà điều hành hệ thống truyền tải điện và khí đốt Energinet của Đan Mạch với công ty GAZ-SYSTEM của Ba Lan.
Đường ống này bắt đầu từ đoạn giữa của đường ống Europipe II dẫn khí đốt Na Uy tới Đức, đi qua lãnh thổ Đan Mạch tới Ba Lan. Baltic Pipe có công suất 10 tỷ m3/năm.
Tập đoàn khí đốt Ba Lan PGNiG cho biết Baltic Pipe sẽ vận chuyển 6,5 tỷ m3 khí đốt vào năm 2023 và 7,7 tỷ m3 vào năm 2024. Hệ thống dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 1/10.
Ba Lan đã ký một thỏa thuận với tập đoàn năng lượng Equinor của Na Uy hồi đầu tháng, nhập khẩu 2,4 tỷ m3 khí đốt/năm, tương đương khoảng 15% tổng tiêu thụ của Warsaw, từ năm 2023 đến 2033. Tuy nhiên, giới chuyên gia Ba Lan đã chỉ trích chính phủ chậm trễ ký hợp đồng và phải chịu giá cao cho khí đốt Na Uy.
Dự án Baltic Pipe được lên kế hoạch trong nhiều năm, song liên tục trì hoãn do các vấn đề về môi trường. Theo công ty Energinet của Đan Mạch, dự án được cấp giấy phép môi trường mới vài ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Đây cũng là một phần trong nỗ lực thoát phụ thuộc khí đốt Nga của Ba Lan trong nhiều năm. Ba Lan nhập khẩu 2/3 lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm từ Nga, nhưng tập đoàn Gazprom đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan sau khi nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble.
Ba Lan được cho là đang có tham vọng trở thành trung tâm khí đốt của châu Âu, khi lắp đặt bể chứa thứ ba tại kho khí đốt Kaczynski lớn nhất đất nước. Hồi đầu tháng 5, Ba Lan và các nước Baltic khánh thành đường ống Khí đốt Liên kết Ba Lan - Litva (GIPL) dài 508 km. Ba Lan tự sản xuất khoảng 3 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.
Trong khi đó, Na Uy đã vượt qua Nga để trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho EU, trong bối cảnh đường ống Nord Stream tê liệt và liên tiếp gặp sự cố rò rỉ, nghi do phá hoại. Tuy nhiên, Bộ Dầu khí Na Uy sẽ không ép các công ty năng lượng bán khí đốt cho châu Âu với giá chiết khấu, vì điều này trái quy luật thị trường.
Động thái này làm dấy lên lo ngại về một mùa đông khó khăn cho châu Âu, đặc biệt là Anh, Đức và Hà Lan, ba quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng giá rẻ của Na Uy.
Đức Trung (Theo AFP, Xinhua, Reuters)