Vốn là đặc sản quý hiếm và có giá đắt đỏ, nhưng hai năm trở lại đây giá na sầu riêng liên tục lao dốc. Chúng có tên gọi là "na sầu riêng" bởi bề ngoài có gai, khá giống trái sầu riêng, kích thước lớn và thơm, vị ngọt đặc trưng. Bốn năm trước loại na này xuất hiện trên thị trường với giá dao động 400.000-500.000 đồng một kg, nay về dưới 100.000 đồng.
Tại các nhà vườn ở Sơn La, giá bán na sầu riêng loại 1 (800 gram-2,5 kg) 75.000-80.000 đồng một kg, loại 2 (500-800 gram) là 55.000 đồng. Mức này giảm gần một nửa so với năm ngoái.
Nhiều hộ trồng na tại Hợp tác xã Mé Lếch (huyện Mai Sơn, Sơn La) cho biết, giá na sầu riêng đã quay về mức bình dân, giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn với loại quả này.
Năm nay chị Hoàn Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mua một thùng 5 trái với giá 260.000 đồng, trong khi ba năm trước số tiền này chỉ đủ mua một trái.
Tại TP HCM, loại quả này được giới kinh doanh trái cây bán cao hơn ở các tỉnh phía Bắc, do chi phí vận chuyển bằng đường hàng không đắt đỏ. Hiện mỗi kg loại 1 quanh 200.000-250.000 đồng, loại 2 là 140.000-170.000 đồng. Dù vậy, mức giá này giảm khoảng 40% so với trước.
Chị Huyền, một đầu mối bán thực phẩm ở quận 12, cho biết năm nay chị bán na sầu riêng vì giá đã giảm. Loại quả này lạ, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng miền Nam.
Nguyên nhân khiến na sầu riêng giảm mạnh, theo các hộ trồng nhờ nguồn cung tăng. Hợp tác xã Mé Lếch là đơn vị đầu tiên trồng na sầu riêng tại Việt Nam, phối hợp cùng một doanh nghiệp nhập giống từ Đài Loan để ghép với giống na dai địa phương. Ông Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc Hợp tác xã Mé Lếch, nhận định giá giảm giúp loại quả này dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng. Quy luật cung cầu cũng khiến giá điều chỉnh để thúc đẩy tiêu thụ.
Năm 2021, na sầu riêng của Mé Lếch bắt đầu có quả. Một năm sau diện tích trồng của hợp tác xã này đạt 20 ha, mang lại doanh thu 14 tỷ đồng nhờ giá bán cao. Na thu hái đến đâu đều được khách hàng đặt mua hết, đôi khi không đủ cung cấp. Đến nay, diện tích trồng của hợp tác xã tăng gấp 5 lần, lên 100 ha.
Tại huyện Mai Sơn (Sơn La), nhiều nông dân trong vùng cũng mở rộng diện tích trồng na sầu riêng. Năng suất của giống na này cao, cây trưởng thành có thể đạt sản lượng lên đến 20 tấn một ha. Tuy nhiên, giống quả này đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ, từng trái phải thụ phấn thủ công, đồng thời cần lượng phân bón gấp 3-4 lần so với na thường. Quá trình từ khi hoa nở đến lúc thu hoạch kéo dài khoảng 6 tháng, muộn hơn so với các giống na khác. Quả na sầu riêng khi chín có trọng lượng từ 0,4 đến 2,5 kg và được thu hoạch từ đầu tháng 8 cho đến Tết Nguyên đán.
Ông Tiến, một nông dân trồng na ở tỉnh Sơn La, cho biết giá năm nay giảm sâu so với năm ngoái, khiến lợi nhuận giảm, nhưng nhà vườn vẫn duy trì được thu nhập ổn định.
Giám đốc Hợp tác xã Mé Lếch Nguyễn Hữu Tứ tính toán trung bình 60.000 đồng một kg, một ha trồng na sầu riêng có thể mang về doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận cao hơn nhiều so với các giống na thông thường.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sơn La, diện tích trồng na toàn tỉnh 970 ha, trong đó 610 ha đã cho thu hoạch, với sản lượng dự kiến hơn 7.100 tấn trong năm nay. Mai Sơn là thủ phủ na của tỉnh với diện tích trồng và thu hoạch lớn nhất, dự kiến sản lượng năm nay khoảng 6.700 tấn. Riêng na sầu riêng là cây trồng mới, diện tích còn hạn chế nên chưa có con số thống kê cụ thể.
Thi Hà